Đáp lại những hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc, Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế và thể hiện thiện chí.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Theo thông tin mới nhất từ Hoàng Sa gửi về, đến chiều 15/5, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng chục loại tàu hộ tống (tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu hải tuần, tàu vận tải đổ bộ...) và bố trí thành 4 lớp bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc luôn luôn cản trước mũi tàu của Cảnh sát biển Việt Nam không cho tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 (Ảnh: Lao Động) |
Mỗi khi các tàu cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, yêu cầu đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam thì ngay lập tức các tàu Trung Quốc tăng tốc, cản phá.
Trả lời trên Tiền Phong chiều 15/5, ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam cho biết, theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, phía Trung Quốc đã tăng số tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 đang đặt trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam tới 99 tàu.
Trong đó, 38 tàu của các lực lượng chức năng Trung Quốc, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến, tới 30 tàu cá vỏ sắt vũ trang và các máy bay tuần thám quanh khu vực giàn khoan 981.
Như vậy, so với con số 86 tàu ngày 13/5, số lượng tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của phía Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.
Theo ông Trung, hiện phía Trung Quốc đã co hẹp vòng bảo vệ giàn khoan trong phạm vi 6,5 hải lý. Tuy nhiên, tàu của Trung Quốc vẫn chia thành nhiều tuyến bảo vệ, khi tàu cá của ngư dân và tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận giàn khoan 981 sẽ bị ngăn cản, sẵn sàng va chạm với tàu nước ta.
Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, hôm qua 15/5, các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển và tàu công vụ khác của nước ta vẫn duy trì như trước đó. Ngoài ra, có khoảng 30-40 tàu cá của ngư dân các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa đang đánh bắt ở khu vực gần giàn khoan.
Các tàu chấp pháp nước ta thường xuyên bám sát, hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân ta đánh bắt trên ngư trường truyền thống, quanh khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.
Mặc dù vậy, đáp lại những hành động ngang ngược, xâm phạm chủ quyền của phía Trung Quốc, Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế và thể hiện thiện chí.
Theo Tuổi trẻ, tại cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 7 (Quốc hội khóa XIII) tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta hết sức kiềm chế, hết sức chân thành mong muốn thông qua đường ngoại giao, hữu nghị, giao thiệp với Trung Quốc đến hôm nay đã có 10 lần, qua đó nói rõ hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Nhưng đến hôm nay Trung Quốc không những không chấp nhận đề nghị chính đáng của Việt Nam mà còn tiếp tục tăng cường số lượng tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan từ 80 tàu lên trên 90 tàu, không cho tàu Việt Nam tiếp cận.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng (Ảnh: VGP) |
“Lãnh thổ là thiêng liêng, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, bằng biện pháp hòa bình yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam” - Thủ tướng nói.
Trên thực địa, Thủ tướng nói tàu thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển và cả tàu cá của ngư dân đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Đến nay cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phê phán, kêu gọi Trung Quốc không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực và thực hiện đúng luật pháp quốc tế. Thủ tướng cũng cho biết đến nay “chưa thấy có nước nào lên tiếng ủng hộ việc làm của Trung Quốc”.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc chiều 15/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định, Việt Nam đã hết sức kiềm chế và thể hiện thiện chí, đã cử Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn sang Bắc Kinh trao đổi thẳng thắn với phía Trung Quốc. Phó Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc suy nghĩ nghiêm túc và có phản hồi tích cực về các yêu cầu của Việt Nam.
P.V (Tổng hợp)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét