Ngày 30/5, bước sang ngày thứ 10 phiên xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, dù các luật sư và bầu Kiên đưa ra nhiều lập luận gỡ tội nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm như đã truy tố.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Viện kiểm sát khẳng định bầu Kiên phạm tội
VKS khẳng định: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo và ông Long, ông Dương, ông Công (Tập đoàn Hoà Phát) và tài liệu thu thập được, có đủ cơ sở kết luận bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến đều phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đại diện Viện Kiểm sát đối đáp lại phần tranh luận của luật sư và bị cáo |
Ở tội danh kinh doanh trái phép: Kiểm sát viên trích dẫn các khái niệm tại các văn bản luật (Điều 3 của Luật Đầu tư, Điều 4 Luật Doanh nghiệp), qua đó cho rằng, việc mua cổ phần, cổ phiếu là hoạt động kinh doanh. Ở đây, 5 Công ty của Nguyễn Đức Kiên không có ngành nghề kinh doanh tài chính (mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác), sau khi thành lập, 5 doanh nghiệp này đã kinh doanh tài chính mà không bổ sung ngành nghề kinh doanh. Do vậy, các công ty này đã vi phạm Điều 9 của Luật Doanh nghiệp.
Đối với tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng: Trước các ý kiến bào chữa của luật sư, VKS cho rằng luận tội của VKS đã phán ánh đúng diễn biến thực tế, không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Đối với các hợp đồng hợp tác đầu tư, VKS cho rằng, các hợp đồng đều tuân thủ pháp luật, tuy nhiên nhìn rõ sẽ thấy vấn đề. Tiền của ACB vẫn quay về ACB. Dòng tiền này được núp dưới các hợp đồng hợp tác đầu tư. “Đây là đường vòng tội lỗi”, VKS nói.
Về cáo buộc các bị cáo là đồng phạm, VKS viện dẫn, hành vi của các bị cáo vì lợi ích nhóm, lợi ích ACB. Biết sai nhưng vẫn làm, cho nên ở đây có yếu tố đồng phạm.
VKS cũng giải đáp những phần bào chữa của các luật sư tại tòa, về việc tách, nhập vụ án. VKS nói, căn cứ khoản 2, Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự tách Huyền Như ra vụ án khác để đảm bảo hành vi đối với từng bị cáo, sự phức tạp của vụ án, công luận lên án… Vì vậy, Đại diện VKS khẳng định: "Luật sư bảo “án chồng án” là phiến diện, thiếu kiểm chứng thực tế".
Hòa Phát nói không kiện, VKS vẫn truy tố
Trong khi đó, theo Tri thức trẻ, tại phiên tòa chiều ngày 30/5, bị cáo Nguyễn Đức Kiên được phát biểu để tự bào chữa cho các tội danh của mình. Ông Kiên nói, những gì phát biểu trong ngày 29/5 mới được 1/3 những điều ông muốn nói.
Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: VOV) |
Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bầu Kiên cho biết: "Tôi không quan tâm các anh ấy có biết hay không nhưng Hòa Phát là một doanh nghiệp thì phải biết là mình quản lý cái gì, ký cái gì, không thể chụp lên đầu tôi. Đây là hành vi ở 2 công ty khác nhau. Tôi không liên quan."
Trước đó, trong phiên tòa buổi sáng, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát ông Trần Đình Long đã khẳng định trước tòa là ông Kiên không lừa ông, và rằng việc mua số cổ phiếu Thép Hòa Phát có sai sót chỉ là sai sót khách quan và Hòa Phát dũng cảm thừa nhận điều này.
Ông Long cũng nói rõ việc hoán đổi cổ phiếu, khi ấy (năm 2012), khi kinh tế khó khăn, chủ trương của Hòa Phát là co cụm lại về ngành chính là thép trong khi ông Kiên có điều kiện về vốn, trường vốn hơn. Cá nhân ông Long rất muốn mua cổ phiếu này còn ông Kiên muốn đầu tư bất động sản nên việc hoán đổi cổ phiếu diễn ra. Ông Kiên mua cổ phiếu bất động sản của ông Long còn ông Long mua cổ phiếu Thép Hòa Phát.
Đại diện cho Thép Hòa Phát là ông Kiều Chí Công cũng khẳng định trước tòa là đơn gửi tòa chỉ yêu cầu điều tra làm rõ chứ không tố cáo. Hơn nữa đến nay Thép Hòa Phát đã thu được tiền rồi nên Thép Hòa Phát không kiện cáo gì cả.
Dù phía Thép Hòa Phát đã khẳng định không tố cáo, nhưng Viện Kiểm soát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các bị cáo.
P.V (Tổng hợp)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét