"Quản tài viên" là người hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản. Chế định mới này đã thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH trong phiên thảo luận sáng nay (26/5).
Theo chương trình của kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII, sáng nay (26/5), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi).
Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo luật này, Ủy ban Thường vụ QH cho biết, chế định Quản tài viên được quy định ở các điều 10, 11, 12, 13, 14 và 15. Giải đáp những băn khoăn về tính khả thi của chế định Quản tài viên vì đây là vấn đề mới, nhất là nguồn Quản tài viên khi Luật phá sản (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực, Ủy ban thường vụ QH cho rằng, Luật phá sản hiện hành đã quy định Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành Luật, chế định này còn nhiều bất cập, vì các thành viên Tổ quản lý, thanh lý tài sản đều là những người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm; chuyên môn, nghiệp vụ cũng chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổ quản lý, thanh lý tài sản, do đó khi tham gia xử lý thường lúng túng, không chủ động về thời gian, công việc và hiệu quả đem lại thấp; việc xác định trách nhiệm cá nhân khi có sai phạm xảy ra cũng rất khó khăn.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản, đảm bảo việc giải quyết phá sản được chuyên nghiệp, nhanh chóng, phù hợp với chủ trương xã hội hóa những hoạt động mang tính nghề nghiệp và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần có một tổ chức, cá nhân độc lập chịu trách nhiệm quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Dự thảo Luật đã quy định Quản tài viên là người có chuyên môn, kinh nghiệm đáp ứng đúng yêu cầu, có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, được TAND chỉ định theo yêu cầu của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Những thủ tục của Luật phá sản hiện hành khiến nhiều doanh nghiệp muốn khai tử mà không được toại nguyện |
Quản tài viên lấy nguồn từ Luật sư, Kiểm toán viên, người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, tài chính có kinh nghiệm, có chứng chỉ hành nghề, hoạt động và chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân, tương tự như các nghề nghiệp đặc thù khác như Luật sư, Công chứng viên, Thừa phát lại…
Ngoài Quản tài viên được quy định trong dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung pháp nhân là các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư vấn luật, kiểm toán, kế toán... làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán như chế định Quản tài viên.
Ủy ban thường vụ QH đã tiếp thu, bổ sung các quy định về doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong giải quyết vụ việc phá sản, cụ thể quy định công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân đáp ứng các điều kiện: công ty hợp danh có tối thiểu hai thành viên hợp danh là Quản tài viên, người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc hoặc giám đốc của công ty hợp danh là Quản tài viên; doanh nghiệp tư nhân có chủ doanh nghiệp là Quản tài viên, đồng thời là giám đốc (Điều 10 và Điều 12).
Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể về mối quan hệ, thẩm quyền, trách nhiệm của Quản tài viên với Thẩm phán, Chấp hành viên trong từng giai đoạn của quá trình giải quyết vụ việc phá sản, Ủy ban thường vụ QH đã tiếp thu, quy định cụ thể theo hướng Thẩm phán chỉ định, giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định tuyên bố phá sản. Cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tổ chức thực hiện việc định giá, thanh lý tài sản; giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo việc thanh lý tài sản, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Điều 9, Điều 15, Điều 16...).
Ủy ban thường vụ QH cũng tiếp thu, bổ sung các đối tượng không được làm Quản tài viên (Điều 11 và Điều 13 của dự thảo Luật) là những người không đủ năng lực hành vi dân sự, cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân
ĐB Đinh Xuân Thảo (Tp. Hà Nội) mặc dù cơ bản đồng tình khi sử dụng chế định Quản tài viên. Tuy nhiên, ông Thảo cũng lo ngại việc trên thực tế có những doanh nghiệp phá sản là tập đoàn lớn và nếu giao cho 1 cá nhân tổ chức quản lý, thanh lý tài sản thì không khả thi. Do đó, nên giao cho 1 doanh nghiệp hoặc tổ chức thi hành án dân sự.
Trong khi đó, ĐB Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) cho rằng, dự thảo luật đưa ra các tiêu chuẩn, phẩm chất của Quản tài viên nhưng: "ai là người giới thiệu, thẩm định, đánh giá năng lực, phẩm chất của người đó. Việc đánh giá đó khách quan đến đâu?", ĐB Hoàng đặt câu hỏi.
Còn ĐB Nguyễn Thành Bộ (tỉnh Thanh Hóa) lại lo ngại, dự thảo luật trao cho Quản tài viên rất nhiều quyền năng, nhưng lại không có cơ chế giám sát. "Trong trường hợp Quản tài viên "bắt tay" với doanh nghiệp để tẩu tán tài sản thì sao? Do đó, đề nghị, 1 tháng 1 lần, Quản tài viên báo cáo với tòa án về tiến độ triển khai công việc được giao", ông Bộ đề xuất.
Bình Minh
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét