Vào những ngày này, cứ khoảng 2h sáng, con đường ra cánh đồng xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên, Nghệ An) đã tấp nập người và xe. Cả cánh đồng loang loáng ánh đèn, chi chít lưới giăng, xôn xao tiếng nói cười của những người dân đang tranh thủ đi vớt rươi.
Người dân Hưng Nhân soi đèn vớt rươi khi thủy triều rút |
“Lộc” ai người nấy hưởng
Mùa rươi ở Hưng Nguyên bắt đầu từ tháng 10 âm lịch, mỗi tháng rươi lên 2 đợt theo con nước thủy triều vào đầu và giữa tháng, mỗi đợt vào 2-3 ngày. Vào ngày rươi lên, người đi rươi phải dậy từ nửa đêm, chuẩn bị sẵn lưới, xô, thau chậu và vợt để ra đồng. Khi nước thủy triều lên, các cánh đồng ở ven sông đều ngập đến nửa mét, những bó lưới lần lượt được căng xung quanh thửa ruộng của mình để khi nước thủy triều rút, rươi không trôi ra sông hoặc trôi sang thửa ruộng của người khác. Lưới căng xong, mọi người lên bờ ngồi đợi. Khoảng 4h sáng, thủy triều rút còn chừng 10cm nước, mọi người tay vợt, tay đèn pin đi vớt rươi. Trong ánh đèn lấp loáng, những bước chân cần mẫn lội quanh ruộng nước, những bàn tay tỉ mỉ nhẹ nhàng luồn xuống dòng nước vớt từng con rươi bé nhỏ.
Chị Trần Thị Trang ở xóm 6, xã Hưng Nhân cho biết: “Ngày xưa theo bố đi rươi, lúc đó chưa có lưới, mọi người phải be bờ thật cao, thật chắc để khi nước rút rươi vẫn đọng nhiều trong ruộng. Rủi hôm nào đắp bờ không chắc để bị vỡ thì coi như về tay trắng. Dụng cụ vớt rươi lúc bấy giờ cũng rất thủ công, đa phần phải dùng những chiếc rá tre mắt nhỏ, cứ vớt được một lát lại phải rửa vì bị bùn đất bám đầy. Ngày nay với vợt và lưới, công việc đỡ vất vả đi nhiều”.
Sau gần 1 giờ cặm cụi, anh Hoàng Văn Dương ở xóm 6, xã Hưng Nhân vớt được cả cân rươi, nhưng ở thửa ruộng bên cạnh của ông Hợi, bà An, lại vớt được rất ít. Người dân nơi đây không ai ta thán, bởi họ quan niệm: “Rươi là “lộc trời”, trời ban cho ai thì người đó hưởng”.
Hưng Nguyên là vùng trũng của tỉnh Nghệ An, hàng năm trung bình người dân phải hứng chịu từ 2-3 trận lũ. Vì vậy, mỗi mùa rươi về, người dân lại động viên nhau: “Ông trời luôn có mắt, không bao giờ tuyệt đường sống của ai. Rươi chính là lộc trời ban cho vùng đất chịu nhiều gian khó này”.
Ruộng tốt, rươi nhiều
Xã Hưng Nhân có 7 xóm có nghề đi rươi. Nước rút sớm nhất là cánh đồng các xóm 6, 7 và muộn nhất là các cánh đồng sát mép sông của người dân xóm 1, 2. Vì thế, thời gian đi rươi ở mỗi xóm mỗi khác, tùy thuộc con nước rút nhanh hay chậm. Thuận tiện nhất là những người có ruộng gần sát mép sông, họ chỉ cần đắp kín bờ ruộng, chừa lại một rãnh nhỏ rồi thả túi lưới chờ nước rút hết nâng lưới mang rươi về nhà.
Với những người đi rươi, điều quan trọng nhất không phải là kỹ năng vớt rươi mà chính là phải biết chăm chút ruộng đồng của mình. Anh Hoàng Văn Đông ở xóm 3, xã Hưng Nhân cho biết: “Muốn rươi vào ruộng mình nhiều thì ngoài việc xới đất cho xốp để rươi làm tổ, còn phải bón phân chuồng làm thức ăn cho rươi. Đặc biệt, khi cấy gặt tuyệt đối không được phun thuốc sâu, nếu không rươi sẽ vào ít”.
Đi rươi nhiều năm, anh Đinh Văn Tiến ở xóm 1, xã Hưng Nhân chỉ cần nhìn vào ruộng là biết ruộng đó đợt này có nhiều rươi hay không. “Ruộng nào mà có nhiều cái lỗ nhỏ, nơi rươi chui xuống ẩn náu thì ngày mai rươi sẽ nổi lên nhiều. Và những ruộng có nhiều rươi phải chăm sóc đất tốt để con rươi có thức ăn, phát triển và nổi lên nhiều hơn vào năm sau”, anh Tiến nói.
Theo anh Hoàng Văn Dương, phải đến tháng 11 âm lịch mới vào chính vụ, rươi mới lên nhiều. Những ngày đầu vụ nên thường bán được giá cao hơn. Trung bình mỗi cân rươi bán tại ruộng có giá từ 400.000 - 500.000 đồng, mỗi vụ các gia đình đi rươi phải kiếm thêm được vài chục triệu đồng.
Ngày nay, dù ở nhiều nơi như: Hải Dương, Hải Phòng người ta đã có thể nuôi rươi để bán, nhưng là nguồn rươi hoàn toàn tự nhiên như rươi Hưng Nguyên vẫn có thương hiệu và được ưa chuộng trong cả nước.
Văn Thanh
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét