Hôm qua (28/11), những người biểu tình bao vây 14 bộ, các cơ quan chính phủ và lan sang 24 cơ quan công quyền ở các tỉnh, lôi kéo được một số giới chức địa phương tham gia nhằm buộc nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức - theo Bangkokpost.
Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban dẫn đầu đoàn biểu tình chống chính phủ ở Bangkok, Thái Lan |
Theo nhân chứng, ngày 28/11, người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã cắt điện sở chỉ huy cảnh sát quốc gia và một bệnh viện đa khoa của cảnh sát nằm ở liền kề tại Thủ đô Bangkok. Phó phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, ông Anucha Romyanan, nói: “Tôi khẳng định rằng, những người biểu tình đã kéo đứt một số cáp điện ở bên ngoài sở chỉ huy cảnh sát. Chúng tôi đang sử dụng nguồn điện dự phòng từ một máy phát điện. Mạng lưới điện của một bệnh viện đa khoa của cảnh sát cũng bị ảnh hưởng”.
"Quân đội sẽ vẫn giữ thế trung lập, không đứng về phía nào trong cuộc xung đột và hy vọng không dẫn tới bạo lực”. Ông Prayuth Chan-ocha-Tư lệnh Lục quân quân đội Hoàng gia Thái Lan |
Trước bối cảnh hỗn loạn này, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố không từ chức, cũng không giải tán Quốc hội và khẳng định mong muốn nói chuyện với các lãnh đạo biểu tình để tìm ra giải pháp tối ưu chấm dứt hỗn loạn trước ngày tổ chức sinh nhật Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej (5/12). Đồng thời, bà bác bỏ lời yêu cầu thành lập Hội đồng nhân dân bởi theo bà, yêu sách này không phù hợp với Hiến pháp Thái Lan hiện hành.
Ngày 28/11, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã bác bỏ đề nghị của Thủ tướng Yingluck Shinawatra về đối thoại nhằm giải quyết tình trạng hỗn loạn chính trị và chấm dứt cuộc biểu tình hiện nay. Tân Hoa Xã dẫn lời ông Suthep cho rằng, đối thoại sẽ không mang lại kết quả khi mục đích của hàng trăm nghìn người biểu tình nhằm “loại bỏ hoàn toàn mọi hạt giống của chế độ Thaksin Shinawatra”. Ông Suthep cũng bác bỏ việc giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử vì có thể tạo cơ hội cho những chính khách biến chất trở lại cầm quyền. Nhưng Phó Thủ tướng Pracha Promnog cho biết, các văn phòng chính phủ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động và khẳng định: “Các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức kín”.
Tuy nhiên, một sắc lệnh hoàng gia Thái Lan đã được ban bố ấn định ngày 22/12 tới sẽ tổ chức các cuộc bầu cử phụ để lấp các vị trí trống sau khi 9 nghị sĩ của Đảng dân chủ từ chức trong đó có ông Suthep để thể hiện nỗ lực chống đối chính phủ. Theo sắc lệnh này, từ ngày 2/12 đến ngày 6/12 sẽ tổ chức cho các ứng cử viên đăng ký. Các cuộc bầu cử cho mỗi vị trí nghị sĩ sẽ bắt đầu từ ngày 15/12. Tổng ngân sách chi cho cuộc bầu cử này là khoảng 80 triệu baht (hơn 52 tỷ VND).
Trong khi đó, một thủ lĩnh lực lượng áo đỏ thuộc Liên minh dân chủ chống độc tài, bà Thida Thavornseth cho biết, phe này sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần này nhằm đưa ra phán xét đối với thủ lĩnh lực lượng biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban. Bà Thida cáo buộc ông Suthep phạm tội hình sự nghiêm trọng khi điều khiển việc chiếm giữ các trụ sở cơ quan Nhà nước.
Trong một bài viết trên The Nation, tác giả Attayuth Bootsripoom nhận định rằng, nếu để tình trạng hỗn loạn này kéo dài, Thái Lan rất có thể xảy ra nội chiến khi phe áo đỏ với số lượng tương đương những người chống chính phủ sẽ ra mặt và tất yếu sẽ dẫn tới xung đột đối đầu như năm 2010. Bài báo viết: “Không thể phủ nhận, chính phủ Thái Lan đã đi vào bế tắc và mất tính hợp pháp điều hành đất nước” tuy nhiên cũng khẳng định, “Chính những người biểu tình cũng đang phá hủy sự hợp pháp của chính họ nhiều hơn nữa qua những hành vi vi phạm pháp luật”.
Sáng 28/11, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội. Thủ tướng Yingluck được 297 phiếu tín nhiệm, 134 phiếu bất tín nhiệm. Bộ trưởng Nội vụ Charupong được 296 phiếu tín nhiệm và 135 phiếu bất tín nhiệm |
Trang Trần - Quang Minh
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét