Thường vụ Quốc hội (QH) cho rằng, quy định Ban Nội chính là cơ quan tiếp công dân thường xuyên giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng đánh giá, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Luật Tiếp công dân tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giải quyết phản ánh của người dân |
Với 84,14% số phiếu tán thành, chiều 25/11, QH đã thông qua Luật Tiếp công dân (có hiệu lực từ ngày 1/7/2014). Một trong những điểm mới được bổ sung vào luật là quy định Ban Nội chính là cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên ở TW và cấp tỉnh. Thường vụ QH cho rằng, mặc dù số lượng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi chức năng của Ủy ban Kiểm tra, các ban Đảng TW không nhiều. Tuy nhiên, các cơ quan này tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở sẽ giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng đánh giá, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Luật cũng có quy định nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.
Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, luật quy định: Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở TƯ ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng cần trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng, Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần.
Trong khi đó, Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… cũng sẽ tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng.
Ngoài ra, người đứng đầu các cơ quan này cũng phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong trường hợp vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia; vụ việc nếu không xem xét, chỉ đạo kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản Nhà nước...
Minh Tiến
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét