Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Lào Cai: Sẽ có thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng

Lào Cai: Sẽ có thêm một cây cầu bắc qua sông Hồng

Ngày 25/11, tại Khu Đô thị Lào Cai - Cam Đường, thành phố Lào Cai đã diễn ra Lễ khởi công cầu Giang Đông vượt sông Hồng.











Lễ động thổ khởi công xây dựng cầu. Ảnh: Báo LC
Lễ động thổ khởi công xây dựng cầu. Ảnh: Báo LC

Cùng với cầu Cốc Lếu được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, cầu Kim Tân xây dựng năm 1999 và cầu Kim Thành xây dựng năm 2007, cầu Giang Đông sẽ là cây cầu thứ 4 bắc qua sông Hồng trên địa phận thành phố Lào Cai. Cầu Giang Đông sẽ nối Khu Đô thị Lào Cai - Cam Đường với Khu quy hoạch xã Vạn Hòa (TP Lào Cai).


Đây là cây cầu có kết cấu bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, đạt tải trọng HL93 và chịu động đất cấp 7. Cầu Giang Đông do Sở Giao thông Vận tải làm đại diện chủ đầu tư, Công ty Đầu tư xây dựng Quyết Tiến (Lào Cai) trúng thầu thi công công trình. Cầu có chiều dài 298 mét, mặt cầu rộng 14 mét, kết cấu 6 nhịp cầu, trong đó có 3 nhịp liên tục được thi công bằng công nghệ dầm hộp đúc hẫng cân bằng.











Mô hình cầu Giang Đông. Ảnh Báo LC
Mô hình cầu Giang Đông. Ảnh Báo LC

Tổng giá trị xây dựng dự án cầu Giang Đông là 167 tỷ đồng; giai đoạn II của dự án là xây dựng các trục đường kết nối, đường dẫn vượt đường sắt lên cầu Giang Đông, giá trị đầu tư dự án sẽ nâng lên 360 tỷ đồng.


Theo kế hoạch, cầu Giang Đông sẽ được khánh thành sau 24 tháng kể từ ngày khởi công. Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, song song với việc xây dựng cầu Giang Đông là các dự án xây dựng tuyến đường D1 chạy dọc ven sông Hồng với khu biệt thự cao cấp.


Sau khi hoàn thành, cầu không chỉ có tác dụng nối các trục kinh tế phía Đông thành phố Lào Cai với các địa phương phía đông bắc của tỉnh như Bảo Thắng, Bắc Hà, Mường Khương và Bảo Yên mà còn là công trình có tác dụng làm đẹp thành phố với nét kiến trúc hiện đại.


Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cầu Giang Đông là công trình trọng điểm của tỉnh Lào Cai và có tác động rất lớn đến sự phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lào Cai và các địa phương lân cận.


Cùng với việc hoàn thiện quy hoạch Khu Đô thị Lào Cai – Cam Đường, cầu Giang Đông sẽ góp phần tạo nên hình ảnh thành phố Lào Cai hiện đại, văn minh, hệ thống giao thông ngày càng hoàn chỉnh. Cầu Giang Đông còn có ý nghĩa là giảm áp lực giao thông cho cầu Kim Tân, cầu Cốc Lếu vượt sông Hồng trên địa bàn thành phố Lào Cai.


Để dự án được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Lào Cai phải phối hợp chặt chẽ trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công.


TTXVN



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.