Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

Ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP có đạo nhạc?

Ca khúc mới của Sơn Tùng M-TP có đạo nhạc?

Những ngày qua, ca khúc Chắc ai đó sẽ về do Sơn Tùng M-TP sáng tác và trình bày đang trở thành tâm điểm của dư luận khi không ít ý kiến cho rằng ca khúc này “đạo” từ nhạc Hàn. Điều đáng nói là trong khi chuyện “đạo” hay không vốn dĩ thuộc về vấn đề chuyên môn thì không ít người lại chạy theo tâm lý đám đông để kết luận một cách vội vàng…













 Sơn Tùng M-TP
Sơn Tùng M-TP


“Đạo” hay không “đạo”?


Chắc ai đó sẽ về là ca khúc vừa ra mắt vào cuối tháng 10 và lập tức tạo nên “cơn sốt” trong cộng đồng mạng với hàng loạt lượt nghe, chia sẻ, thậm chí là những bản cover liên tiếp xuất hiện. Tuy nhiên, dân mạng nhanh chóng phát hiện ra rằng ca khúc này “có gì đó” giống với ca khúc Because I miss you của nam ca sĩ Hàn Quốc Jung YongHwa.


Vậy là với việc tìm ra “có gì đó” giống nhau, cái án “đạo nhạc” lập tức được một bộ phận dân mạng đưa ra và gán cho ca sĩ nước nhà.


Theo tìm hiểu của PV từ những nhạc sĩ có uy tín, phần lớn đều cho rằng hai ca khúc Chắc ai đó sẽ về và Because I miss you khác nhau hoàn toàn ở phần lời và giai điệu, chỉ có phần giống nhau ở vòng hòa âm.


Vậy vòng hòa âm là gì? Đây là đơn vị cấu trúc nên một bản nhạc. Tuy nhiên, những người “ngoại đạo” có thể sẽ không biết rằng từ những vòng hòa âm cơ bản vẫn có thể tạo nên rất nhiều bản nhạc khác nhau trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa rằng nhiều bản nhạc có thể cấu tạo chỉ từ một vòng hòa âm.












 So sánh hai ca khúc Chắc ai đó sẽ về (trái) và Because I miss you, nhiều nhạc sĩ uy tín cho rằng hai ca khúc có phần giống nhau ở vòng hòa âm nhưng khác nhau hoàn toàn ở phần lời và giai điệu
So sánh hai ca khúc Chắc ai đó sẽ về (trái) và Because I miss you, nhiều nhạc sĩ uy tín cho rằng hai ca khúc có phần giống nhau ở vòng hòa âm nhưng khác nhau hoàn toàn ở phần lời và giai điệu



Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ trẻ Lê Đức Hùng (tác giả ca khúc Bác làm vườn và con chim sâu, từng được đề cử hạng mục Nghệ sĩ mới của năm và Bài hát của năm tại giải thưởng Cống hiến 2013) đã có những phân tích khá rõ về chuyên môn trong một chia sẻ trên mạng xã hội, nhận được hơn 5.000 lượt like và 1.200 lượt chia sẻ.


Anh cho rằng một bài hát được gọi là "đạo nhạc" khi giai điệu của nó giống 80 - 100% giai điệu của một bài hát khác. Việc vòng hòa âm của hai bài hát giống nhau không phải là căn cứ để nói "đạo nhạc".


“Có rất nhiều bài hát đi vòng hòa âm giống nhau nhưng giai điệu khác nhau vẫn được tính là tác phẩm gốc như thường. Hai bài hát này (Chắc ai đó sẽ về và Because I miss you - NV) đi vòng hòa âm khá giống nhau (mặc dù không giống hoàn toàn) nhưng giai điệu thì hoàn toàn khác nhau. Các nốt nhạc đi rất khác nhau, triển khai giai điệu cũng rất khác nhau… Tóm lại, bài Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng không đạo nhạc”, nhạc sĩ trẻ Lê Đức Hùng kết luận.


Cũng có kết luận giống như nhạc sĩ Lê Đức Hùng, nhạc sĩ Thái Thịnh chia sẻ với Thanh Niên Online: “Tôi đã nghe qua cả hai ca khúc này và có nhận xét như thế này: Nếu ghi nốt ra thì hai bài này hoàn toàn không giống nhau, nghĩa là hai bài này hoàn toàn khác nhau về giai điệu (melody). Còn về vòng hòa âm được xem là giống nhau ở cả hai bài thì đây là vòng hòa âm rất phổ thông, nếu không gọi là vòng hòa âm “vỡ lòng”, không có gì cao siêu hết. Ai mới học nhạc cũng có thể viết được. Nhiều bài có vòng hòa âm như vậy lắm chứ không riêng hai bài này”.


Tác giả của Để nhớ một thời ta đã yêu cũng khẳng định: “Với người sáng tác, việc đầu tiên là tạo ra giai điệu, sau đó là viết lời và cuối cùng là hòa âm thì khi đó có thể trùng hợp nhau ở vòng hòa âm - tức là những hợp âm mà người đánh đàn dựa theo. Vì vậy, nếu hỏi tôi ca khúc Chắc ai đó sẽ về có phải “đạo nhạc” không thì tôi sẽ trả lời là không vì giai điệu ca khúc này hoàn toàn khác với ca khúc Because I miss you. Khi nào mà phần giai điệu, phần lời giống nhau thì mới có thể nói là đạo”.












Sơn Tùng M-TP từng bị rút ba ca khúc khỏi bảng xếp hạng của chương trình Bài hát yêu thích sau những tranh cãi xoay quanh việc nam ca sĩ này sử dụng (không xin phép) beat (bản hòa âm) trên mạng để sáng tác
Sơn Tùng M-TP từng bị rút ba ca khúc khỏi bảng xếp hạng của chương trình Bài hát yêu thích sau những tranh cãi xoay quanh việc nam ca sĩ này sử dụng (không xin phép) beat (bản hòa âm) trên mạng để sáng tác


Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng dù chưa đủ yếu tố để kết luận là “đạo nhạc” nhưng việc sáng tác dựa trên một bản beat (bản hòa âm) có sẵn sẽ dễ khiến bài hát chịu sự ảnh hưởng nhiều từ tiết tấu đến giai điệu của bài nhạc gốc.


Như nhạc sĩ - ca sĩ Trịnh Thăng Bình cho biết: “Có chăng thì những người khéo léo và có thẩm mỹ âm nhạc tốt sẽ biến đổi nó đi theo một hướng khác khó nhận biết hơn và thậm chí là có khi còn xuất sắc hơn bản gốc nhưng nó vẫn phải chịu sự ảnh hưởng nhất định. Cho nên tốt nhất, một là tự leo lên đàn mà tạo ra giai điệu của riêng mình, còn không thì làm như nước ngoài là họ tự có ê kíp sản xuất beat cho riêng họ để sáng tác luôn cho khỏi va chạm”.


Trở lại với trường hợp của Sơn Tùng M-TP, đây không phải lần đầu chàng ca sĩ trẻ này vấp phải “nghi án đạo nhạc” bởi trước đó, hầu hết các ca khúc của anh như Cơn mưa ngang qua, Em của ngày hôm qua… cũng đều bị mang ra mổ xẻ.


Bản thân Sơn Tùng M-TP cũng từng lên tiếng thừa nhận việc “vay mượn” beat nước ngoài để sáng tác nhạc và cho đó là cách làm phổ biến trong giới sáng tác hiện nay. Tuy nhiên, cách làm này là bình thường hay bất thường thì vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Nhất là khi mới đây, nhóm FB Boiz đã phải trả lại giải thưởng Bài hát của tháng cho chương trình Bài hát Việt sau khi ca khúc Tương tư của nhóm bị phát hiện “vay mượn” beat từ nước ngoài.


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ cùng Thanh Niên Online: "Xét nhiều khía cạnh thì khó có thể nói ca khúc Chắc ai đó sẽ về là "đạo nhạc" được vì nó chỉ giống vòng hòa âm với ca khúc nhạc Hàn mà thôi. Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao cách làm của Sơn Tùng vì với những người nghệ sĩ thì lòng tự tôn của họ rất cao, họ luôn muốn tôn vinh những sáng tạo của mình, không muốn sản phẩm dựa trên sáng tạo của người khác. Khi còn trong giới underground thì Sơn Tùng có thể dùng beat người khác để sáng tác và giao lưu với bạn bè nhưng khi đã là nghệ sĩ của công chúng thì phải có sự tôn trọng chất xám của người khác và sự tự tôn riêng của bản thân, như vậy mới xứng là nghệ sĩ, nếu không thì mãi chỉ là một cậu bé chơi trò âm nhạc mà thôi".











"Xét nhiều khía cạnh thì khó có thể nói ca khúc Chắc ai đó sẽ về là "đạo nhạc" được vì nó chỉ giống vòng hòa âm với ca khúc nhạc Hàn mà thôi. Tuy nhiên, tôi không đánh giá cao cách làm của Sơn Tùng... Khi còn trong giới underground thì Sơn Tùng có thể dùng beat người khác để sáng tác và giao lưu với bạn bè nhưng khi đã là nghệ sĩ của công chúng thì phải có sự tôn trọng chất xám của người khác và sự tự tôn riêng của bản thân, như vậy mới xứng là nghệ sĩ, nếu không thì mãi chỉ là một cậu bé chơi trò âm nhạc mà thôi".


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung




“Chắc ai đó sẽ… đạo”


Điều đáng nói là trong khi việc kết luận một tác giả, một ca khúc có phải là "đạo nhạc" hay không vốn dĩ thuộc về vấn đề chuyên môn trong âm nhạc nhưng từ việc quan sát cộng đồng mạng trong những ngày qua, có thể thấy rằng không ít người đã vội vàng đưa ra kết luận một cách cảm tính, dựa trên sự yêu - ghét dành cho nghệ sĩ chứ không phải từ những kiến thức về âm nhạc.


Đặc biệt, khi trang fanpage của một nghệ sĩ Hàn (có hơn 6.000 lượt like) bất ngờ “đăng đàn” tố Sơn Tùng M-TP “đạo nhạc” dựa theo tố cáo từ các fan Việt thì bên dưới những dòng chia sẻ này là cuộc tranh cãi nảy lửa giữa một bên chỉ trích Sơn Tùng M-TP, một bên cho rằng chính tâm lý đám đông đã khiến fan Việt đưa ra kết luận vội vã, tự làm xấu chính mình.












Trang fanpage của một nghệ sĩ Hàn tố Sơn Tùng M-TP
Trang fanpage của một nghệ sĩ Hàn tố Sơn Tùng M-TP "đạo nhạc" - Ảnh chụp màn hình


Từng có nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nhạc sĩ Thái Thịnh cho biết thêm: “Chuyện vòng hòa âm giống nhau thì ngay cả nhạc ngoại quốc cũng có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng ở nước ngoài, tôi chưa thấy người ta gọi đó là “đạo nhạc” bao giờ. Cách sáng tác dựa trên beat của người khác thì không chỉ Sơn Tùng mà nhiều nhạc sĩ trẻ Việt Nam và trên thế giới cũng áp dụng. Ở nước ngoài, người ta còn có hẳn những website rất lớn và chuyên nghiệp nhằm bán những bản beat có sẵn, không có gì gọi là vi phạm hết. Có những người sau khi sáng tác giai điệu thì họ biến tấu cho bản hòa âm cũng khác đi. Ở Việt Nam, có thể có nhiều ý kiến trái chiều về việc này nhưng có nhiều ý kiến tôi thấy không được “chuyên môn” cho lắm”.


Có thể thấy từ những nghi án “đạo nhạc” trước đây mà lòng tin của khán giả vào nhạc Việt đã vơi đi ít nhiều. Tuy nhiên, mọi kết luận cần phải dựa trên những yếu tố chuyên môn chứ không thể dựa theo cảm tính. Điều đáng tiếc là trong bối cảnh âm nhạc phát triển, nhạc Việt chịu ảnh hường từ nhiều làn sóng âm nhạc khác nhau, điển hình là K-pop nhưng chúng ta vẫn chưa có những quy định rõ ràng về vấn đề sử dụng beat, về thế nào là "đạo" hay không "đạo nhạc"...










Số phận ca khúc Chắc ai đó sẽ về trong bộ phim Chàng trai năm ấy sẽ ra sao?


Ca khúc Chắc ai đó sẽ về được Sơn Tùng M-TP sáng tác cho bộ phim Chàng trai năm ấy (dự kiến ra mắt vào tháng 11.2014) của đạo diễn Quang Huy.


Trước những lùm xùm này, số phận của ca khúc này sẽ như thế nào, nhất là khi mới đây, bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực - đại diện Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam - cho rằng: “Nếu một ca khúc đạo lại được sử dụng thành nhạc phim sẽ làm giảm giá trị của phim. Khi khán giả, truyền thông đã lên tiếng thì phía bên kiểm duyệt phát hành phim cũng phải xem xét kỹ lưỡng, chứ không thể đơn giản thích sử dụng là sử dụng được".


Trao đổi với Thanh Niên Online, đạo diễn Quang Huy cho biết anh và ê kíp vẫn quyết định giữ lại ca khúc này trong phim.


“Sau khi có những ý kiến trái chiều, chúng tôi đã nghiêm túc xem xét ca khúc này. Với chuyên môn âm nhạc của tôi và những đồng nghiệp có kiến thức về âm nhạc nói chung, chúng tôi nhận thấy bài hát không có vấn đề gì ngoại trừ vòng hợp âm mà vòng hợp âm thì không nói lên điều gì cả. Nhưng chúng tôi không muốn đôi co với dư luận. Chúng tôi không có nghĩa vụ chứng minh bài hát không "đạo nhạc" mà ai đó muốn nói nó "đạo nhạc" thì họ phải chứng minh được là nó "đạo nhạc". Tôi tin rằng Hội đồng duyệt phim quốc gia nếu quan tâm đến vấn đề nhạc phim thì họ sẽ có những chuyên gia có kiến thức để nhận định về việc này”.


Về phát ngôn của bà Dung, đạo diễn Quang Huy cho rằng đây là một phát ngôn cảm tính. “Tôi e rằng bà Dung chưa nghe hai bài hát này”, vị đạo diễn này cho biết.




Theo Độc Lập/Thanh Niên



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.