Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

Vợ góa, con côi vì TNGT

Vợ góa, con côi vì TNGT

Mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa bé ngây thơ chưa tròn tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Mỗi vụ TNGT xảy ra luôn để lại những nỗi đau thương, mất mát đeo đẳng người còn sống.












Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền dẫn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền và đại diện các Sở, ban ngành địa phương thăm hỏi, động viên gia đình anh Nguyễn Tất Hưởng.

Hướng đến ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã thành lập 5 đoàn công tác với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh, Mặt trận tổ quốc, các ban ngnafh như công an, giao thông… đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn.


Sáng 13/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, kiêm Phó trưởng Ban ATGT tỉnh Huỳnh Thanh Điền dẫn đầu đoàn thăm hỏi tới thăm, động viên gia đình anh Nguyễn Tất Hưởng (SN 1976, trú tại Khối 15, Phường Trường Thi, TP Vinh). Anh Hưởng là người không may tử vong sau vụ TNGT giữa xe "hổ vồ" và xe máy trên đường dẫn Cầu vượt đường sắt Nghi Liên, ngày 21/10 vừa qua. Sự ra đi của anh Hưởng không chỉ là nỗi đau mất mát người thân trong gia đình mà nó còn khiến cả gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn.


Bố mẹ già yếu, người vợ trẻ là chị Lê Thị Hằng (32 tuổi) phải 1 mình nuôi 3 con nhỏ, cháu đầu học lớp 5, 2 bé gái sinh đôi mới vừa tròn 1 tuổi. Chị Hằng cho biết: Trước đây, anh Hưởng là kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc cho một công ty phần mềm máy tính ở P. Quán Hành, còn chị là công nhân. Sau khi sinh đôi 2 bé gái, chị phải nghỉ ở nhà chăm con. Cả gia đình 6 người đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của anh Hưởng. Nhưng ngày 21/10, trên đường đi làm anh không may bị chiếc xe tải đi với tốc độ cao đâm mạnh từ phía sau, khiến anh tử vong tại chỗ. Bây giờ, người trụ cột chính đã mất, chị Hằng không có công ăn việc làm, trong khi các con còn quá nhỏ. Rồi đây, không biết sẽ phải xoay sở như thế nào.











Trong buổi sáng đoàn Ban ATGT tỉnh đã tổ chức thăm hỏi 5 gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Trong buổi sáng, Ban ATGT tỉnh Nghệ An đã tổ chức thăm hỏi 5 gia đình nạn nhân TNGT có hoàn cảnh khó khăn và trao số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng/gia đình.

Nhìn chị Hằng 1 nách 2 con nhỏ, chúng tôi không khỏi xót xa. 2 cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn nép vào lòng mẹ, mắt ngơ ngác nhìn người lạ. Chắc chắn các em chưa thể hiểu được những mất mát quá lớn đang xảy ra với mình và những khó khăn vất vả ập đến trong tương lai.


Sau khi trao số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình chị Hằng, Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Điền đã yêu UBND Tp Vinh và chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ gia đình để sớm vượt lên những khó khăn trước mắt, ổn định cuộc sống.


Cũng trong ngày hôm nay, đoàn chúng tôi đến nhà bà Hồ Thị Hương (khối 14, P. Quán Bánh, TP. Vinh) có con trai tử vong vì TNGT cách đây vừa tròn 7 tháng. Căn nhà mái bằng chưa đầy 50m2 nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà 2-3 tầng khang trang. Thấy khách đến nhà, bà châm hương trước di ảnh chồng và con trai trước khi bắt đầu câu chuyện. Trên bàn thờ, cạnh tấm ảnh của người cha già quá cố, là di ảnh của anh Nguyễn Hữu Vinh (28 tuổi) người thợ sơn trẻ tuổi không may tử vong vì TNGT.











sdf
Chị Thi, cùng đứa con thơ 2 tuổi sớm chịu cảnh mồ côi cha

Ông Nguyễn Đình Dương hàng xóm của bà Hương cho biết: “Bố nó mất cách đây vài năm, nỗi đau chưa nguôi thì nó lại đột ngột ra đi. Tội cho vợ con nó, bé quá không biết đã kịp nhớ mặt cha chưa”.


Chị Nguyễn Thị Thi (27 tuổi) – vợ anh Vinh, một tay bế con, một tay còn lại cố gắng lau đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, nghẹn ngào kể: Tháng 3/2014 trên đường đi làm anh không may bị TNGT, rồi va vào cột mốc tử vong. Anh bị nạn cách nhà chưa đầy 1km nhưng ở nhà không ai biết. Giấy tờ ví tiền, điện thoại bị mất cả. Một số người đi qua nhận ra anh nên báo tin cho gia đình.


Sau cái chết của anh Vinh, dù được sự trợ giúp từ bà con hàng xóm, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm nhưng hoàn cảnh gia đình bà Hương vẫn rất khó khăn. Giờ đây trong căn nhà tuềnh toàng, 2 người góa phụ và 1 bé gái chưa đầy 2 tuổi, ngày ngày chạy chợ cóp nhặt từng đồng nương tựa nhau mà sống.


Sau khi trao số tiền 2 triệu đồng giúp đỡ gia đình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An động viên gia đình cố gắng khắc phục khó khăn, nuôi các cháu ăn học. Trong đợt này, UBND, Ban ATGT tỉnh tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như: tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT để bà con nâng cao ý thức, giảm bớt những tai nạn thương tâm đồng thời kêu gọi cộng đồng ủng hộ, chia sẻ với những gia đình có người bị TNGT với tinh thần "Tưởng nhớ người đi - Vì người đang sống".


Văn Thanh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.