Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Gấp rút "đại tu" để tiếp nhận người nghiện trước Tết Nguyên đán

Gấp rút "đại tu" để tiếp nhận người nghiện trước Tết Nguyên đán

Chiều 13/11, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (TNĐTXH) Bình Triệu và một số nơi khác, mọi công tác chuẩn bị để đón người nghiện đến cai nghiện tiến hành hết sức khẩn trương.












Sửa chữa tại Trung tâm Bình Triệu. ảnh: Mai Huyên
Ông Lê Bá Hoàng trực tiếp chỉ đạo công việc sửa chữa tại Trung tâm cai nghiện Bình Triệu. Ảnh: Mai Huyên

Khẩn trương "đại tu", tuyển thêm bác sỹ


Ông Lê Bá Hoàng, Giám đốc Trung tâm TNĐTXH Bình Triệu cho biết: “Trong đợt sửa chữa, “đại tu” này Trung tâm dự toán kinh phí hơn 3 tỷ đồng để trang bị các phòng làm việc cho Hội đồng xét xử, phòng xét xử (đảm bảo không gây ùn ứ bệnh nhân), khu nhà ở, sân chơi, trang thiết bị, dụng cụ y tế… phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người nghiện. Dự kiến đến 25/11 tới, việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở sẽ được hoàn tất để có thể tiếp nhận ngay người bệnh. Chúng tôi cũng đang tuyển thêm y, bác sỹ nhằm tăng cường nhân lực đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, cắt cơn, giải độc cho bệnh nhân”.


Cũng theo ông Hoàng, Trung tâm này trước kia tiếp nhận mỗi năm khoảng 5.000 người bệnh (là những đối tượng nghiện có nơi cư trú trên địa bàn TPHCM; sức chứa khoảng 700 bệnh nhân/đợt. Theo quy định mới, các bệnh nhân sẽ không còn nằm đất mà được trang bị giường nên mỗi phòng thay vì có 25 người ở như trước, nay sẽ giảm xuống còn 16 người. Vì vậy, mỗi đợt chỉ có thể tiếp nhận từ 400 – 500 người nghiện.


Các đối tượng đến đây, sau từ 1 – 2 tháng cắt cơn giải độc, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý… sẽ được chuyển lên các trường của Trung tâm ở Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Dương để tiếp tục điều trị.


“Chúng tôi phải xây dựng các giải pháp để nâng khả năng tiếp nhận tối đa và điều trị hiệu quả cho người bệnh”, ông Hoàng nói.











Tại trung tâm Nhị Xuân - Hóc Môn
Các phòng ốc sinh hoạt được trạng bị sạch sẽ, đầy đủ giường cho các học viên tại Trung tâm Nhị Xuân - Hóc Môn

Học viên được nghe nhạc, đọc sách, chơi bida


Theo ghi nhận của PV tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân (trực thuộc lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM) ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, cở sở vật chất nơi đây khá khang trang.









Hiện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã xây dựng được 7 trung tâm giáo dục Lao động xã hội, 2 trung tâm tiếp nhận các đối tượng ma túy, mại dâm lưu trú tạm thời. Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM quản lý 4 trường và trung tâm giáo dục giải quyết việc làm.


Ngoài ra, còn có 4 trung tâm tương tự do tư nhân quản lý. Tổng cộng, tính đến ngày 7/11, TPHCM có 6.583 học viên, người sau cai nghiện. Đến 31/10, các cơ sở đã giúp 3.314 người nghiện trở về hòa nhập cộng đồng. Dự kiến, đến cuối năm nay, con số này sẽ có thêm 1.300 trường hợp trở về hòa nhập với cộng đồng.



Ông Hoàng Đạt Xuân, Phó phòng Giáo dục tư vấn cho biết, trung tâm sẵn sàng tiếp đón từ 1.500 đến 2.000 học viên. “Về công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như lực lượng cán bộ công nhân viên, Trung tâm đã thực hiện đầy đủ và sẵn sàng đón tiếp học viên” – ông Xuân cho biết.


Trung tâm có diện tích 28ha, có gần 200 cán bộ, công nhân viên. Trung tâm hiện có 5 đội quản lý học viên, trong đó có 3 đội bắt buộc và 2 đội tự nguyện.


Ông Phan Quốc Trạng, Đội phó Đội quản lý học viên số 1 cho biết: Hiện mỗi đội có 10 phòng, mỗi phòng có từ 10 đến 15 giường đôi, có thể ở được khoảng 20 đến 30 học viên. Phòng ăn uống của các học viên đều được trang bị sạch sẽ và đầy đủ. Có các nơi tham gia văn nghệ, phòng đọc sách, nghe nhạc... giúp học viên thư giãn. Ngoài ra, tại mỗi đội đều có các hoạt động vui chơi giải trí như: bóng đá, cầu lông, bida... bên cạnh việc lao động, tham gia trồng rau sạch cho đội.


Tại khu vực y tế, nơi tiếp nhận và điều trị các học viên, bác sĩ Trịnh Văn Phong cho biết:, Trung tâm hiện có 2 khu y tế, một khu điều trị cắt cơn, giải độc và 1 khu điều dưỡng. Mỗi khu gồm có 18 phòng (3 phòng nhân viên, 4 phòng khám cận lâm sàn cấp cứu, 1 phòng cấp cứu, 1 phòng sông hơi, 5 phòng cắt cơn và 4 phòng lưu bệnh nội trú). Mỗi phòng có 4 – 5 giường bệnh. “Ngoài hai khu y tế, mỗi đội quản lý đều có một phòng y tế riêng. Trường hợp bệnh nặng sẽ được chuyển từ phòng xuống khu y tế” – bác sĩ cho biết.


Tại khu vực dạy nghề, ông Xuân giới thiệu, trung tâm cũng có 6 phòng dạy nghề, 5 phòng học văn hóa. Trung tâm cũng tổ chức dạy nghề cho các học viên gồm các nghề như: Tin học, điện dân dụng, cắt may quần áo, hớt tóc, sửa xe gắn máy...


Ông Võ Trọng Tâm – Chánh Văn phòng Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, để có cái Tết thật yên bình, cần sớm đưa những người nghiện vào các trung tâm trước Tết Nguyên đán. Cần tính toán tu sửa, đầu tư cải tạo thêm để thực hiện một cách nhanh nhất và báo cáo lên UBND TP.


Mai Huyên - Minh Nghĩa – Linh Hoàng



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.