Sáng nay (17/11), tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông – Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo |
Tham dự hội thảo có hơn 250 đại biểu trong nước và quốc tế. Trong 2 ngày diễn ra hội thảo (17-18/11), các đại biểu, học giả đến từ Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a… sẽ thảo luận các chủ đề: Các nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề Biển Đông; Các bên tham gia và các lực lượng hoạt động trên biển; Tình hình chung ở Biển Đông và chính sách của các bên liên quan; Quan hệ quốc tế và trật tự ở Biển Đông; Luật pháp quốc tế: Đất liền, đại dương và bầu trời; Luật biển quốc tế: Các yêu sách và giải pháp; Các biện pháp xây dựng lòng tin và chính sách ngoại giao phòng ngừa.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam - cho rằng, năm 2014 là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Có những vụ việc lần đầu tiên xảy ra nhưng hết sức nghiêm trọng, kéo dài về thời gian, dồn dập về diễn biến và thu hút sự chú ý trong và ngoài khu vực. Có những vụ việc đã từng xảy ra nhưng được lặp lại với cường độ và nhịp độ lớn hơn nhiều so với trước. Tình hình có lúc căng thẳng tới mức mà các bên liên quan nếu chỉ thiếu sự kiềm chế một chút thì xung đột đã nổ ra.
Cũng theo ông Đặng Đình Quý, môi trường tại Biển Đông ngày càng xuống cấp. Các nguồn lợi hải sản bị suy giảm và nguyên trạng dần bị thay đổi… Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hy vọng của nhân dân trong khu vực về một Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn.
“Tình hình Biển Đông càng phức tạp, chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông. Giới lãnh đạo các nước cần oán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông”, ông Đặng Đình Quý nhấn mạnh.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cũng cho rằng, các sự cố xảy ra với ngư dân Việt Nam khi đánh bắt trên Biển Đông nói chung và ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa nói riêng gây ra nhiều bức xúc trong dân chúng, ảnh hưởng xấu đến tình cảm hữu nghị của người dân thành phố. “Điều chúng tôi quan tâm hơn là sự suy giảm lòng tin. Công cụ ngăn ngừa xung đột hiệu quả nhất không phải là sự hiện diện của quan hệ thương mại và sự tuỳ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia mà là lòng tin giữa các quốc gia có liên quan", ông Văn Hữu Chiến nói.
Lam Trình
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét