Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

33 người bị lừa đi hái cà phê: 9 người trốn về nhà an toàn

33 người bị lừa đi hái cà phê: 9 người trốn về nhà an toàn

Liên quan đến vụ hàng chục lao động ở TP Kon Tum bị “lừa bán” ra ngoại tỉnh ép làm việc nặng nhọc, bước đầu đã xác định có khoảng 33 lao động là đồng bào bị “cò” đưa sang làm việc tại tỉnh Lâm Đồng và đã có 9 người bỏ trốn thành công về lại địa phương.












Người dân vẫn rất lo lắng vì còn nhiều lao động chưa về nhà và bặt vô âm tín
Người dân vẫn rất lo lắng vì còn nhiều lao động chưa về nhà và bặt vô âm tín

Như Báo Giao thông đã đưa tin về vụ việc hàng chục người dân tại Tp. Kon Tum bị lừa đi lao động cực nhọc tại Lâm Đồng, một số thanh niên đã trốn thoát trở về nhà kể lại mọi việc, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều lao động bặt vô âm tín, khiến người nhà hoang mang lo lắng.


Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch xã Chư Hreng cho biết: “Do nắm được tâm lý cần việc làm nên người môi giới, cò mồi lợi dụng, dụ dỗ với mức thu nhập cao và đưa các những lao động này đi qua Lâm Đồng làm việc không đúng với lời hứa ban đầu, vì vậy, hiện tâm lý người dân đang rất bất an”.


Người nhà nạn nhân cho biết, “cò lao động” đã đến tận các thôn làng để gom, đưa thanh niên ra ngoại tỉnh hái cà phê tiền công 120.000 đồng/ngày, bao ăn ở. Thực tế, sau khi lên xe, người lao động được đưa đến một công ty giới thiệu việc làm và sau đó được bàn giao lại cho các chủ sở hữu lao động. Tại đây, những người lao động bị tịch thu điện thoại, bị ép lao động nặng nhọc và không cho bất cứ ai được phép ra ngoài. Nhiều người không đi hái cà phê như cam kết ban đầu mà bị bắt làm phụ hồ. Không chỉ bị giam lỏng, các lao động bị ép ký vào hợp đồng lao động với mức ký nợ ban đầu từ 1,8 đến 2 triệu đồng tiền cơm, xăng, xe. “Cò lao động” được trả thù lao từ 300-700 nghìn đồng. Các lao động muốn nghỉ việc, gia đình phải mang tiền chuộc. Sáng 11/11, 6 gia đình ở làng Kroong Klah (xã Kroong, TP Kon Tum) phải mang tiền qua tận Lâm Đồng để tìm cách chuộc con.


Liên quan đến vụ việc, ngày 12/11, Chủ tịch UBND TP Kon Tum, ông Phan Văn Thế cho biết: Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu cơ quan Công an thành phố vào cuộc điều tra, làm rõ để có biện pháp xử lý nghiêm, đưa công dân trở về an toàn. Bước đầu đã xác định có khoảng 33 lao động là người dân tộc thiểu số ở 4 xã, gồm: Chư H’reng, Kroong, Đắk Rơ Wa và Đắk Năng bị “cò” đưa sang làm việc tại tỉnh Lâm Đồng và đã có 9 người bỏ trốn thành công về lại địa phương.


Theo ông Thế: Trước mắt, thành phố chỉ đạo cơ quan công an và các ban ngành phối hợp với các địa phương ở Lâm Đồng để đưa các lao động trở về nhà, hỗ trợ chí phí đi lại. Năm 2013, ở các xã Ia Chim và Đắk Năng cũng xảy ra sự việc tương tự.


Ngoài ra ông Thế còn cho biết, bước đầu cơ quan công an đã xác định được đối tượng làm “cò lao động” ở phường Duy Tân (TP Kon Tum) và đã mời lên làm việc để làm rõ động cơ. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý nghiêm.


Vĩnh Yên



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.