Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

Bé trai 12 ngày tuổi chết bất thường sau khi tiêm vacxin

Bé trai 12 ngày tuổi chết bất thường sau khi tiêm vacxin

Theo thông tin mới nhất từ ngành y tế Thanh Hóa thì hiện nay, cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Đậu Ngọc Phú (SN 25/10/2014) sau khi tiêm chủng vacxin BCG (phòng lao) tại Trạm y tế xã Nga Trường, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).












Gia đình chị Mai Thị Linh vẫn hoài nghi về cái chết của cháu Đậu Ngọc Phú sau khi tiêm vacxin phòng chống lao
Gia đình chị Mai Thị Linh vẫn hoài nghi về cái chết của cháu Đậu Ngọc Phú sau khi tiêm vacxin phòng chống lao

Trước đó, theo phản ánh của gia đình chị Mai Thị Linh (SN 1988, ở xóm 4B, xã Nga Trường) thì vào sáng ngày 7/11 vừa qua, sau khi nhận được thông báo từ Trạm y tế xã Nga Trường về việc tiêm chủng mở rộng cho trẻ sơ sinh. Chị Linh đã đưa cháu Phú đến Trạm y tế xã để thực hiện tiêm chủng vacxin phòng lao (BCG).











Đơn kiến nghị của gia đình chị Linh gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của con mình
Đơn kiến nghị của gia đình chị Linh gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân cái chết của con mình

Tại đây, trực tiếp Trạm trưởng trạm y tế xã Nga Trường đã khám sàng lọc cho cháu Phú và cho biết, cháu Phú đủ điều kiện sức khỏe để tiêm phòng. Lúc này, chị Linh mới làm các thủ tục để tiến hành tiêm chủng cho con.


Chị Linh cho biết: “Sau khi tiêm xong, trong ngày hôm đó cháu bú ít hơn bình thường, đến đêm thì thấy cháu nấc và vặn mình nhiều. Cứ nghĩ con chỉ bị phản ứng nhẹ sau khi tiêm phòng nên gia đình cố gắng bế cháu để chăm sóc. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy cháu ngày càng nặng thêm, mặt và toàn thân bị tím tái hết”.


Sau khi phát hiện con với những biểu hiện bất thường trên, chị Linh đã gọi điện báo cho trạm y tế xã Nga Trường. Tại gia đình chị Linh, sau khi khám và phát hiện cháu Phú đã bị suy hô hấp nặng, một nhân viên y tế của trạm y tế xã Nga Trường đã tiêm cho cháu Phú 0,3ml Vitamin B1, rồi cùng gia đình đưa cháu Phú đến Bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn cấp cứu. Tại đây, dù đã được các bác sĩ của bệnh viện nỗ lực cấp cứu nhưng cháu Phú đã không qua khỏi và tử vong vào ngày 8/11.


Cho rằng cái chết của con trai mình là bất thường, có liên quan đến việc tiêm chủng, gia đình chị Linh đã có đơn kiến nghị gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa yêu cầu làm rõ nguyên nhân. “Trước khi tiêm chủng cháu khỏe mạnh, bú và ngủ ngoan ngoãn, bình thường nhưng không hiểu sao sau khi tiêm lại xảy ra sự việc như vậy. Gia đình chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra”, chị Linh nói.


Trao đổi với báo chí, ông Mai Kim Tuyến, Trạm trưởng trạm y tế xã Nga Trường cho rằng: “Việc thực hiện tiêm vacxin được thực hiện theo đúng quy trình. Xảy ra sự việc trên là điều đáng tiếc, đây là rủi ro nghề nghiệp, không ai mong muốn cả. Để xác định được nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu Phú thì phải chờ cơ quan chức năng và cấp trên làm rõ”.


Hiện nguyên nhân dẫn đến cháu Phú tử vong cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang tiến hành làm rõ.


P.Tuấn



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.