Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Tặng bằng khen cho người cứu đoàn tàu khỏi trật đường ray

Tặng bằng khen cho người cứu đoàn tàu khỏi trật đường ray

Công đoàn ngành đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đã trực tiếp về cung đường sắt Yên Lý trao bằng khen cho anh Nguyễn Anh Hoàng - nhân viên gác chắn đã có thành tích “Phát hiện sự cố và tổ chức dừng tàu kịp thời, đảm bảo an toàn cho đoàn tàu GS2T1 tại khu gian Yên Lý - Cầu Giát”.


"Nếu anh Hoàng không phát hiện sự cố và nhanh trí đuổi theo đoàn tàu thì có thể một vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra", Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh nói.


Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cũng trao giấy khen cho tổ công đoàn cung đường Yên Lý và tặng thưởng những cá nhân liên quan có đóng góp quan trọng vào việc ngăn chặn kịp thời đoàn tàu trật bánh GS2T1.


Theo VnExpress, trước đó vào 15h30 ngày 14/9, tàu hàng GS2T1 lưu thông Vinh - Hà Nội khi đến xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu (Nghệ An) thì trật bánh do gãy trục ở toa số 2 cuối tàu. Toa này sà xuống quệt vào tà vẹt làm biến dạng đường sắt. Tuy nhiên, lái tàu không phát hiện được sự cố mà tiếp tục chạy.


Khi tàu qua gác chắn Yên Lý, anh Hoàng đã phát hiện sự cố. Vì không bắt kịp tàu để ra tín hiệu cho người lái, nhân viên này liền đi xe ôm chạy theo quốc lộ 1A chừng 2 km thì vượt trước đoàn tàu và ra tín hiệu thành công.


"Tôi đứng tại gác chắn Yên Lý và phát hiện bụi đá sau đuôi đoàn tàu mù mịt, nhưng không kịp bắt tàu. Tôi có xe máy, nhưng không kịp nổ máy nên gọi bác xe ôm đang đợi khách tại ngã 3 đuổi theo đoàn tàu", anh Hoàng kể và cho biết hơn 10 năm trong nghề, đây là lần đầu tiên anh xử lý tình huống như thế này.


Sau đó, Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh tiến hành cắt lại hai toa để khắc phục và cho đoàn tàu tiếp tục chuyển bánh ra Bắc. Đoạn đường sắt bị phá kéo dài từ km270+210,5 đến km269+325, tổng cộng hơn 1,8km.












Hiện trường vụ tai nạn hôm 14/9 (Ảnh: VnExpress)
Hiện trường vụ tai nạn hôm 14/9 (Ảnh: VnExpress)


Sau khi xảy ra sự việc, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đã huy động gần 80 công nhân viên tiến hành sửa chữa, khắc phục lại đoạn đường sắt bị hư hỏng.


“Đến ngày 16/9, đoạn đường sắt bị tàu trật bánh làm hư hỏng đã được khắc phục, đảm bảo hoạt động bình thường trở lại. Nhờ vào sự nhanh trí của anh Nguyễn Anh Hoàng, đoàn tàu GS2T1 thoát khỏi nguy cơ đối mặt với một vụ tai nạn thảm khốc đồng thời giảm thiệt hại cho ngành đường sắt”, ông Hùng cho biết thêm.


Anh Nguyễn Anh Hoàng làm nhiệm vụ nhân viên gác chắn cung đường sắt Yên Lý từ tháng 8/2002. Hơn 12 năm làm nhân viên gác chắn, anh Hoàng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bao an toàn chạy tàu, an toàn giao thông cho các phương tiện và người qua lại trên đường ngang Yên Lý.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.