Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Bình Dương: Bé gái bị bạo hành xuất viện, về ở với cha

Bình Dương: Bé gái bị bạo hành xuất viện, về ở với cha

Chiều 29/9, bé Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi), nạn nhân bị mẹ ruột và cha dượng đánh đập dã man, đã được xuất viện. Các thương tích của bé Ngân đã được điều trị bình phục và cô bé có thể trở về với người thân của mình.












Bé gái 4 tuổi bị bạo hành đã được xuất viện và anh Tố tạm thời được giao quyền chăm sóc bé Ngân
Bé gái 4 tuổi bị bạo hành đã được xuất viện và anh Tố tạm thời được giao quyền chăm sóc bé Ngân

Trước mắt, quyền nuôi dưỡng và chăm sóc bé Ngân sẽ được giao cho anh Trần Văn Tố (31 tuổi, quê Sóc Trăng), người đã đưa ra được các loại giấy tờ như hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn để chứng minh mối quan hệ ruột thịt giữa anh và bé Ngân. Về phần bé Ngân, khi gặp anh Tố cháu cũng thể hiện rõ thái độ quyến luyến, yêu quý.


Trước đó, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu máu anh Tố gửi đến Trung tâm giám định sinh học pháp lý - Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để xét nghiệm ADN nhằm làm rõ mối quan hệ cha con giữa anh Tố và bé Ngân. Trong khi chờ kết quả giám định và giải quyết các thủ tục cần thiết, anh Tố được đưa bé Ngân về quê Sóc Trăng chăm sóc.


Về góc độ pháp lý có thể thấy anh Tố đủ tư cách làm cha đứa trẻ, không nhất thiết phải giám định ADN. Cụ thể, theo Điều 63, 64, 65 Luật Hôn nhân và Gia đình về xác nhận cha - mẹ con, nếu người con không được cha mẹ thừa nhận thì có quyền yêu cầu tòa án xác định cha mẹ cho mình. Nếu cha mẹ không thừa nhận con thì cũng phải được tòa án xác định. Trường hợp này, người cha đã được pháp luật thừa nhận và người cha cũng thừa nhận Ngân là con của mình thì không cần giám định ADN, trừ trường hợp có tranh chấp.












Bé Ngân quyến luyến anh Tố ngay từ phút đầu ngặp mặt, dù trước đó Ngân đã phải trải qua những trận đòn dã man
Bé Ngân quyến luyến anh Tố ngay từ phút đầu ngặp mặt, dù trước đó Ngân đã phải trải qua những trận đòn dã man


Đại diện Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện số tiền người hảo tâm cả nước giúp đỡ bé Ngân là 210 triệu đồng và 100 USD. Trước mắt số tiền trên được gửi trong tài khoản, giao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em thị xã Dĩ An quản lý. Hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng để có kế hoạch chăm lo cho bé Ngân trong những ngày trở về địa phương.


Trước đó, vào tối ngày 10/9, bé Ngân bị chính mẹ ruột là Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi, quê Vĩnh Long) và người tình Đỗ Trọng Minh (27 tuổi, thường trú Đồng Nai) đánh đập hết sức dã man. Dù biết bé Ngân bị nhiều thương tích nhưng cả Minh và Trang không chịu đưa bé đi cấp cứu.


Khoảng 15h ngày 12/9, người dân trong dãy trọ phát hiện bé Ngân nằm bất tỉnh ở góc phòng, kiến bu lên người nên xông vào giải cứu đưa đi cấp cứu. Hiện Minh và Trang đang bị cơ quan công an tạm giữ để điều tra làm rõ.


Theo Trung Kiên/Dân Trí



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.