Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Nam Á - Mắt xích quan trọng trong "Giấc mơ Trung Hoa"

Nam Á - Mắt xích quan trọng trong "Giấc mơ Trung Hoa"

Trong chuyến công du bốn quốc gia Nam Á cách đây hơn một tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định Nam Á là tiểu lục địa có tiềm năng rất lớn, có thể trở thành cực tăng trưởng mới của kinh tế châu Á nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.












Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đón, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô New Delhi.(Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) đón, hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô New Delhi.(Nguồn: AFP/TTXVN)

Một Nam Á hòa bình, ổn định, phát triển, phồn thịnh phù hợp với lợi ích của các nước và nhân dân trong khu vực cũng như của Trung Quốc.


Giới phân tích cho rằng mục đích của chuyến công du Nam Á lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình là nhằm tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước này đối với dự án “Con đường tơ lụa trên biển" thời hiện đại nối Trung Quốc với nhiều nước.


Con đường tơ lụa


Khởi đầu chuyến công du Nam Á, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới thủ đô Dushanbe để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thăm cấp nhà nước tại Tajikistan trong các ngày 11-12/9.


Sau đó, ông Tập Cận Bình đã đến Male ngày 14/9, đánh dấu chuyến thăm Maldives cấp nhà nước đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 42 năm.


Trong 42 năm qua, quan hệ hợp tác Trung Quốc-Maldives chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại và du lịch. Ngành "công nghiệp không khói" hiện chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của quốc đảo tại Ấn Độ Dương này. Khoảng 1 triệu lượt du khách tới Maldives hàng năm, trong đó khách Trung Quốc chiếm 30%.


Rời Maldives, ông Tập Cận Bình đã tới Sri Lanka vào ngày 16/9 và trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên thăm Sri Lanka từ 28 năm nay. Tại đó, ông Tập Cận Bình đã cùng với Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa chứng kiến lễ ký 27 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như xây dựng và phát triển cảng biển, phát triển các công viên kỹ nghệ ven biển, kinh tế biển và an ninh hàng hải.


Sri Lanka hiện đang thu hút sự chú ý của các nền kinh tế hàng đầu châu Á do nước này nằm dọc các tuyến hàng hải tất bật nhất thế giới. Trung Quốc đang đầu tư vào cảng Hambantota thuộc miền Nam nước này.


Ấn Độ là chặng dừng chân cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trong chuyến công du Nam Á của ông Tập Cận Bình. Nhật báo Hindu Daily dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc nói: "Mối quan hệ Trung-Ấn đã trở thành một trong những quan hệ song phương năng động và hứa hẹn nhất của thế kỷ 21."


Theo số liệu thống kê, Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với kim ngạch thương mại song phương đạt 70 tỷ USD năm 2013 và hai nước đặt mục tiêu nâng con số này lên 100 tỷ USD vào năm 2015.


Mắt xích quan trọng


Về vị trí địa lý, Nam Á nằm ở phía Nam lục địa châu Á, thường được gọi là “bán đảo Nam Á” hoặc “tiểu lục địa.” Khu vực này gồm 8 quốc gia thuộc Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC) gồm Afghanistan, Pakistan, Buhtan, Maldives, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka và Nepal.


Với diện tích khoảng 4 triệu km2 (tương đương khoảng 10% diện tích châu Á) và dân số hơn 1,5 tỷ người, tiểu lục địa này có vị trí quan trọng không chỉ về mặt địa chiến lược mà còn cả về mặt kinh tế.


Sự đa dạng về quy mô và trình độ phát triển kinh tế giữa các nước là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của khu vực này. Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất Nam Á - hiện chiếm đến 79% GDP của khu vực. Tiếp theo là Pakistan (chiếm 11%) và Bangladesh (chiếm 6%). Năm nước còn lại chỉ chiếm 4% GDP của toàn khu vực. Trong thời gian qua, Ấn Độ và Sri Lanka đã nhanh chóng thích nghi và tận dụng những lợi ích của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế để phát triển với tốc độ cao và liên tục.


Mặc dù các nước Nam Á vẫn chủ yếu là các nước nông nghiệp, có tỷ lệ nghèo cao, tình hình chưa ổn định nhưng Nam Á vẫn được đánh giá là khu vực có tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại rất lớn và đa dạng. Sức mua ở nhiều nước trong khu vực đang gia tăng nhờ tăng trưởng kinh tế cao và tầng lớp trung lưu ngày một đông. Chỉ tính riêng tại Ấn Độ, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu lên tới khoảng 300 triệu.


Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của một số nước chủ chốt trong khu vực, nhất là Ấn Độ, đã chuyển dần từ dựa vào xuất khẩu sang dựa nhiều hơn vào sự tăng trưởng của đầu tư và tiêu dùng nội địa. Điều đó đã giúp cho các nước này hạn chế tác động tiêu cực của những biến động kinh tế ở bên ngoài.


Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các nước Nam Á là khá lớn, trong đó kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ và Pakistan trong tài khóa 2012-2013 lần lượt là 490 tỷ USD và 39,8 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu của các nước khu vực cũng khá đa dạng, phong phú từ xăng, dầu, thiết bị máy móc tới các các mặt hàng nông nghiệp bông, sợi; cao su, nguyên, phụ liệu dệt may…


Trong số các nền kinh tế ở Nam Á, Ấn Độ đang nổi lên như một đối thủ lớn đối với Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới này đang phát đi những tín hiệu khả quan sau ba năm tăng trưởng kém và lạm phát ở mức cao. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang nỗ lực nghiên cứu các chính sách để đưa Ấn Độ theo đúng con đường thành công của Trung Quốc là dựa vào xuất khẩu và đầu tư.


Về phần mình, hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với GDP trên 9.000 tỷ USD năm 2013. Nhiều nhà kinh tế dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024.


Giới phân tích cho rằng tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Nam Á, nhất là Ấn Độ, là rất lớn. Sự kết hợp giữa Trung Quốc - công xưởng của thế giới - và Ấn Độ - văn phòng của thế giới - sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ đối với tăng trưởng kinh tế của thế giới trong bối cảnh các đầu tàu kinh tế truyền thống như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) chưa thực sự hồi sinh. Như vậy, có thể nói Nam Á chính là một mắt xích quan trọng trong “giấc mơ Trung Hoa”.









Cụm từ "Giấc mơ Trung Hoa" được ông Tập Cận Bình dùng khi trở thành Tổng Bí thư vào tháng 11/2012 và trong diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước vào tháng 3/2013. Ngày 19/8/2013, ông Tập Cận Bình tuyên bố: “Việc hiện thực hóa Giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và có nhân dân hạnh phúc.”


Theo các học giả, các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc, "Giấc mơ Trung Hoa" gắn với việc đạt được hai mục tiêu 100 năm (Song Bách). Mục tiêu 100 năm thứ nhất là trở thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2021, tức là đúng dịp 100 năm kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu 100 năm thứ hai là hiện đại hóa Trung Quốc, phấn đấu đến năm 2049, đúng 100 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tức Trung Quốc, sẽ trở thành nước phát triển toàn diện và đầy đủ.



Theo Vietnam+



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.