Sáng 1/2 (mùng 2 Tết), toàn bộ mặt sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa phận tỉnh Tây Ninh đã bị lục bình phủ kín như một thảm cỏ xanh, làm cản trở dòng chảy và tê liệt hệ thống đường thủy khúc sông này.
Lục bình xuất hiện dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) |
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng, đã có gần 5 triệu m2 mặt sông hoàn toàn bị lục bình che phủ.
Sông Vàm Cỏ Đông chảy dài từ xã Hòa Hội, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh qua các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) dài hơn 150km.
Dòng sông có nhiều nhánh nhỏ thuận tiện cho lưu thông đường thủy vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Tây Ninh.
Nhưng hiện nay cảng Bến Kéo, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh và các cảng đường sông của tỉnh Tây Ninh gần như không còn chiếc sà lan, tàu, ghe nào cập cảng, do lục bình phủ kín gần như cả mặt sông không thể di chuyển được.
Hiện nay đoạn sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang qua xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành đến xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu đã bị lục bình che phủ khoảng 90% mặt sông.
Ông Nguyễn Thanh Phương, nông dân trồng lúa bên kia sông Vàm Cỏ Đông, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh cho biết hơn một năm trước họ còn cố gắng luồn lách tránh những mảng lục bình khổng lồ để qua sông canh tác, nhưng thời điểm bây giờ thì không thể nào qua được.
Còn anh Trần Văn Dũng, nông dân ở xã Trường Đông, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh chia sẻ, anh và những người cùng xóm có ruộng bên kia sông đã hùn tiền lại mua dây sắt 8 ly và thùng mủ lớn kéo ngang sông chặn lục bình để có khoảng trống chèo xuồng vượt sông làm ruộng.
Nhưng rồi lục bình sinh sôi ngày càng nhiều, không ai chịu nổi nữa đành bỏ luôn. Giờ đoạn sông dài gần 8km ngập tràn lục bình.
Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng tạo điều kiện cho lục bình phát triển mạnh trên đoạn sông Vàm Cỏ Đông.
Giai đoạn lục bình phát triển mạnh vào mùa khô từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 4 năm sau.
Mọi năm thì lục bình phát triển mạnh vào đầu tháng 4, nhưng năm nay thì sớm hơn, cho thấy nguy cơ nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông ngày càng mất an toàn.
Vào đầu năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng với Doanh nghiệp tư nhân Thanh Sơn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để trục vớt lục bình thông thoáng đường thủy với kinh phí trên 4 tỷ đồng/năm.
Nhưng lục bình phát triển quá nhiều mà năng lực doanh nghiệp thì có hạn, xử lý lục bình không hiệu quả, lòng sông vẫn ách tắc.
Trước tình hình đó Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cắt hợp đồng với doanh nghiệp này và hiện nay phương án giải tỏa dòng sông gần như bế tắc, chưa có phương án hiệu quả.
Phạm Thanh Tân (TTXVN)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét