Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Kinh nghiệm để Hà Lan thành "thiên đường xe đạp"

Kinh nghiệm để Hà Lan thành "thiên đường xe đạp"

Với hơn 20.000 km đường dành riêng cho xe đạp và 59% lưu lượng vận chuyển trong các thành phố trên toàn quốc được thực hiện bằng xe đạp, Hà Lan được coi là một trong những “thiên đường xe đạp” trên thế giới.


Ở Hà Lan, xe đạp là loại phương tiện di chuyển phong phú và tiện lợi nhất, với rất nhiều loại xe đạp khác nhau, từ những chiếc xe thông thường phù hợp cho cả đàn ông, phụ nữ cho tới những chiếc xe đạp chở hàng hạng nặng. Việc đi xe đạp phổ biến đến mức người ta thường nói rằng người Hà Lan được sinh ra trên xe đạp.


Với địa hình bằng phẳng cùng cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tốt và vươn tới mọi ngóc ngách của Hà Lan, đi xe đạp là hình thức di chuyển thuận tiện và an toàn nhất ở đất nước này.











Hà Lan được coi là một thiên đường dành cho xe đạp
Hà Lan được coi là một thiên đường dành cho xe đạp

Mặc dù xe đạp xuất hiện ở Hà Lan sau Mỹ và Anh, tuy nhiên cho đến năm 1911, Hà Lan sở hữu số xe đạp trên đầu người cao nhất châu Âu. Phong trào đi xe đạp ở Hà Lan thực sự bùng nổ vào thập niên 1970, khi người dân trên khắp cả nước kêu gọi đi xe đạp để phản đối tỉ lệ tử vong của trẻ em trong các tai nạn giao thông do xe ô-tô gây ra quá cao.


Sự thành công của chiến dịch này cùng với cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973-1974 đã khiến xe đạp lên ngôi ở khắp đất nước Hà Lan, buộc chính phủ phải hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân trong các thành phố và chú trọng phát triển các loại hình phương tiện giao thông khác, trong đó xe đạp được coi là một phương tiện trọng điểm giúp cho cuộc sống an toàn hơn và thân thiện với môi trường hơn.


Người Hà Lan tập cho con cái mình đi xe đạp từ rất sớm để chúng có thể tự tin ngồi trên xe đạp đến trường từ lúc mới vào cấp 2. Các học sinh cấp 2 ở Hà Lan phải tham gia một kỳ thi tham gia giao thông bằng xe đạp mới được cấp chứng chỉ giao thông Verkeersdiploma. Đây là chứng chỉ rất quan trọng, bởi 84% số học sinh cấp 2 ở Hà Lan tới trường bằng xe đạp trong phạm vi dưới 5 km.











Trẻ em Hà Lan được bố mẹ cho làm quen với xe đạp từ rất sớm
Trẻ em Hà Lan được bố mẹ cho làm quen với xe đạp từ rất sớm

Tài xế ô-tô và xe máy ở Hà Lan cũng được đạo tạo về quy tắc ứng xử giao thông với người đi xe đạp trong các khóa học bằng lái xe của mình. Chẳng hạn như họ được yêu cầu kiểm tra liên tục ở phía bên phải của xe để xem có người đi xe đạp nào không trước khi rẽ phải.


Ở Hà Lan, trên các tuyến đường đều có làn đường dành cho xe đạp được đánh dấu bằng các vạch sơn kẻ liền hoặc nét đứt. Đường vạch đứt cho phép người lái ô-tô được đi vào, nhưng không được phép cản trở người đi xe đạp, trong khi đường vạch liền cấm tuyệt đối các phương tiện xe cơ giới và chỉ dành riêng cho xe đạp.











Làn đường dành riêng cho xe đạp ở Amsterdam
Làn đường dành riêng cho xe đạp ở Amsterdam

Đường dành cho xe đạp thường được phủ nhựa đường màu đỏ hoặc đen để người đi xe đạp dễ quan sát hơn và phân biệt hẳn với làn đường dành cho xe ô-tô. Người đi xe đạp buộc phải đi vào làn đường này nếu nó được quy định trên đường, và kể từ cuối năm 1999, xe máy cũng bị cấm không được đi vào làn này.


Để bảo vệ người đi xe đạp trước dòng phương tiện cơ giới đông đúc, Hà Lan cũng cho xây dựng nhiều cầu vượt hoặc hầm đường bộ dành cho xe đạp và người đi bộ qua các tuyến đường đông phương tiện. Các cây cầu trên khắp Hà Lan cũng đều có tuyến đường riêng dành cho xe đạp.











Cầu vượt dành cho xe đạp Hovenring ở Hà Lan
Cầu vượt dành cho xe đạp Hovenring ở Hà Lan

Luật pháp Hà Lan cũng quy định mỗi cửa hàng đều phải có một chỗ để xe đạp ở bên cạnh. Các giá để xe đạp rất phổ biến trên khắp Hà Lan, nơi người dân có thể móc bánh trước của xe đạp lên một cách an toàn. Để chống lại nạn trộm cắp xe đạp, người dân thường được khuyến nghị sử dụng khóa dây và khóa xe vào giá.


Ngoài ra, ở Hà Lan cũng có rất nhiễu bãi để xe đạp, mỗi bãi thường chứa được hàng ngàn chiếc. Mỗi nhà ga xe lửa đều có một khu để xe đạp riêng với một mức giá trông xe rất thấp. Ở những thành phố lớn, chẳng hạn như Groningen, người ta xây dựng tới 20 điểm để xe đạp có người trông coi.











Một bãi để xe đạp ở Ultrecht
Một bãi để xe đạp ở Ultrecht










Bãi để xe đạp quy mô lớn ở Groningen
Bãi để xe đạp quy mô lớn ở Groningen

Nhằm ngăn chặn tình trạng xe đạp để bừa bãi trên các vỉa hè, chính quyền các thành phố thường ra những quy định nghiêm khác đối với những chiếc xe đạp không để đúng vị trí quy định. Lực lượng chức năng sẽ cắt khóa những chiếc xe để lung tung này và chủ nhân sẽ phải nộp phạt khoảng 25 euro mới được lấy lại xe.











Việc để xe đạp không đúng vị trí sẽ bị phạt rất nặng
Việc để xe đạp không đúng vị trí sẽ bị phạt rất nặng

Ngoài ra, hệ thống cho thuê xe đạp cũng rất phổ biến và tiện lợi ở Hà Lan. Các thành phố và thị trấn trên khắp Hà Lan đều có hàng loạt hiệu cho thuê xe đạp với đầy đủ các thiết bị và dịch vụ sửa chữa cần thiết. Một trong những hệ thống cho thuê xe đạp nổi tiếng nhất ở Hà Lan là OV-fiets











Những chiếc xe đạp cho thuê trong hệ thống OV-fiets
Những chiếc xe đạp cho thuê trong hệ thống OV-fiets

OV-fiets (xe đạp công cộng) là một chương trình chia sẻ xe đạp toàn quốc do cơ quan Đường sắt Hà Lan khởi xướng. Các trạm cho thuê xe đạp OV-fiets thường được bố trí gần các nhà ga xe lửa hoặc trạm xe điện ngầm trên khắp cả nước. Hệ thống này cố 250 trạm cho thuê xe với hơn 6000 chiếc xe đạp.


Người dân muốn tham gia chương trình chia sẻ xe đạp này sẽ phải nộp mức phí 10 euro mỗi năm, và họ sẽ sử dụng chính chiếc thẻ đi tàu hỏa của mình để thuê xe, và giá thuê xe đạp trong 24 giờ là 3,15 euro.











Người dân Hà Lan sử dụng thẻ đi tàu để thuê xe đạp OV-fiets
Người dân Hà Lan sử dụng thẻ đi tàu để thuê xe đạp OV-fiets

Được khởi xướng thí điểm ở quy mô nhỏ vào năm 2003, chương trình OV-fiets đã dần dần phát triển và trở nên phổ biến một cách đáng ngạc nhiên trên cả nước với hơn 1 triệu người tham gia đăng ký sử dụng vào năm 2011. OV-fiets khác với những chương trình cho thuê xe đạp ở nhiều quốc gia khác ở chỗ nó tích hợp chặt chẽ với hệ thống vận tải công cộng trên toàn quốc, khi những người có thẻ đi tàu mới được phép thuê xe đạp.


Với hệ thống này, những người thường xuyên sử dụng tàu hỏa và tàu điện ngầm đi làm trong các thành phố sẽ được thuê xe đạp từ nhà ga để đến công sở hoặc về nhà, hạn chế đáng kể phương tiện cơ giới cá nhân lưu thông trong đô thị. Chính vì sự tiện lợi và an toàn này mà OV-fiets đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Hà Lan.


Theo khampha



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.