Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Hè phố và bộ mặt Thủ đô

Hè phố và bộ mặt Thủ đô

Ngày 2/1, tức chỉ mới bước sang năm 2014 được hai ngày, người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” với nhiều mục tiêu, kỳ vọng.


Động thái này minh chứng cho quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc thay đổi bộ mặt Thủ đô.


Một trong những mục tiêu được đưa ra là nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, tăng cường trật tự ATGT, đảm bảo đường thông, hè thoáng.


Để làm được điều này, một trong những nhiệm vụ được Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu là chấn chỉnh hoạt động của các bến xe, điểm đỗ xe tĩnh và trông giữ xe trên hè, lòng đường theo đúng quy định; thực hiện đề án cải tạo, chỉnh trang hè phố; Giải tỏa triệt để các tụ điểm lấn chiếm hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, chợ cóc, chợ tạm, các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép..., đảm bảo sự hợp lý, khoa học, ATGT, tránh ùn tắc.


Quyết tâm của thành phố càng có “sức nặng” hơn khi một Ban chỉ đạo “Năm trật tự và văn minh đô thị” được thành lập do Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.


Quyết tâm là thế, nhưng những việc làm được lại chưa thấm vào đâu. Chẳng hạn như việc giải tỏa dứt điểm các điểm trông giữ phương tiện ở gầm cầu, hay rà soát, chấn chỉnh các tuyến phố không đủ quy định về diện tích nhưng vẫn được kẻ vạch, chia ô làm chỗ trông giữ xe. Không chỉ gầm cầu mà vỉa hè, lòng đường vẫn bị “xẻ thịt”. Nhiều tuyến phố vẫn ken cứng phương tiện, người đi bộ vẫn phải len lỏi giữa “rừng xe” trên vỉa hè, lòng đường.


Hơn 1 năm trước, Bộ GTVT đã yêu cầu ngành chức năng Thủ đô giải quyết tình trạng sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe gây mất an toàn công trình cầu, mất ATGT, ô nhiễm môi trường... xem ra đến nay, yêu cầu này vẫn chưa được ngành chức năng Thủ đô làm triệt để. Dưới gầm cầu Vĩnh Tuy (đường Minh Khai) không còn cảnh tấp nập phương tiện vào gửi như trước, nhưng khi có người vào gửi xe thì nhân viên của Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vẫn ân cần chỉ dẫn chỗ đậu. Chiếc xe ôtô 4 chỗ được thu đúng 30.000 đồng như quy định, nhưng lại không có vé...


Rồi có những tuyến phố không đủ diện tích quy định (trên 10,5m với đường 2 làn xe; trên 7,5m đối với đường một làn xe) vẫn được cấp phép trông giữ xe. Chỉ một, hai chiếc xe ra vào chỗ gửi cũng làm tăng nguy cơ ùn tắc giao thông. Có vẻ như, khi gầm cầu bị phong tỏa thì lòng đường, vỉa hè càng được tận dụng để trông giữ phương tiện. Trước cửa Bệnh viện lão khoa Trung ương sáng 19/2, đã không còn chỗ trống để gửi xe...


Những việc đó vẫn diễn ra hàng ngày và không khó phát hiện. Trong chỉ thị thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” của thành phố đã giao cụ thể nhiệm vụ cho từng sở, ngành, chính quyền địa phương, từng lực lượng chức năng, nhưng với những gì diễn ra nêu trên dường như họ vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ.


Và khi mà đường chưa thông, hè chưa thoáng thì việc thay đổi bộ mặt Thủ đô cũng khó hoàn thành như kỳ vọng.


Minh Thành



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.