Lê Văn Hải, Đội phó Đội kiểm lâm cơ động số 1 - Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoá, đã trực tiếp chỉ huy bắt giữ xe chở 1,6 m3 gỗ giáng hương lậu, song sau đó đã chỉ đạo tiền hối lộ 100 triệu đồng để “tha” xe gỗ lậu.
Lực lượng công an đang khám xét tại trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1 sau khi phát hiện vụ nhận hối lộ 100 triệu đồng để “tha” xe gỗ lậu - Ảnh: Tuấn Minh |
Ngày 26/12, nguồn tin cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với Lê Văn Hải (SN 1974), Đội phó Đội kiểm lâm cơ động Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 - Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoá (Đội Kiểm lâm số 1) về hành vi “Nhận hối lộ”.
Lê Văn Hải là đối tượng giữ vai trò chủ mưu trong vụ một cán bộ Kiểm lâm dưới quyền có hành vi nhận hối lộ đã bị cơ quan điều tra bắt giữ trước đó.
Trước đó, vào ngày 1-8-2014, cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an Thanh Hoá đã bắt quả tang Lê Đức Hải (SN 1978), trạm trưởng Trạm kiểm soát Quốc lộ 1A, thuộc Đội Kiểm lâm số 1 đang nhận 100 triệu đồng của ông Nguyễn Võ Nguyên, đại diện cho một công ty xuất nhập khẩu áp tải xe ô tô BKS 27C-060.12 chở 20 hộp gỗ Giáng Hương (khoảng 1,6 m3) trên đường vận chuyển ra Hà Nội. Khi lực lượng cảnh sát ập vào trụ sở Đội kiểm lâm cơ động số 1, ông Lê Đức Hải đã bỏ chạy lên tầng 2 và ném toàn bộ số tiền vừa nhận ra gốc cây cảnh.
Trong quá trình mở rộng điều tra và căn cứ từ những tài liệu thu thập được và bản kết luận giám định kỹ thuật của Viện khoa khọc hình sự Bộ Công an xác định Lê Văn Hải là người trực tiếp chỉ huy bắt giữ xe gỗ này và giải quyết. Lê Đức Hải đã báo cáo cho Lê Văn Hải biết là đã bắt giữ được xe chở gỗ lậu, sau đó hai bị can này đã thống nhất việc nhận tiền để “tha” xe gỗ lậu.
Điều 279. Tội nhận hối lộ 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: A) Gây hậu quả nghiêm trọng; B) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; C) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: A) Có tổ chức; B) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn; C) Phạm tội nhiều lần; D) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước; Đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt; E) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng; G) Gây hậu quả nghiêm trọng khác. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: A) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng; B) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: A) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; B) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Theo N.Quyết/Người lao động
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét