Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Các "cường quốc trung bình" có thể tạo ổn định ở châu Á?

Các "cường quốc trung bình" có thể tạo ổn định ở châu Á?

Theo các nhà quan sát, hiện nhiều nước đang tìm kiếm những cách thức mới, đó là việc xây dựng các liên minh gồm các “cường quốc trung bình” – tức là các dàn xếp an ninh không bao gồm Trung Quốc hay Mỹ. Đây không phải là sự thay thế cho quan hệ đối tác với Mỹ hay can dự của Trung Quốc, ngược lại, là sự bổ sung cho hai biện pháp này.












Tàu chiến Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore tham gia cuộc tập trận Malabar
Tàu chiến Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore tham gia cuộc tập trận Malabar

Được liệt vào danh sách “cường quốc trung bình” tại châu Á có Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonessia, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Việt Nam và thêm Australia, là những quốc gia có tiềm lực đáng kể về kinh tế, quốc phòng, ngoại giao để có thể có ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực trong khu vực.


Chỉ riêng 4 nước trong số này là Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Indonesia đã có tổng dân số là 1,64 tỷ người, GDP 9.130 tỷ USD, chi tiêu quốc phòng 127,8 tỷ USD (so với Trung Quốc có 1,36 tỷ dân, GDP 9.180 tỷ USD và chi tiêu quốc phòng 188,46 tỷ USD). Trừ Indonesia trong thời gian gần đây “bận bịu” với quá trình chuyển giao quyền lực, ba nước Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đang âm thầm nhưng ráo riết mở rộng hợp tác an ninh với nhau cũng như với Mỹ.


Các vấn đề hợp tác gồm đối thoại an ninh, trao đổi tình báo, xây dựng năng lực, chia sẻ công nghệ, lên chương trình nghị sự cho các hội nghị khu vực, phối hợp ngoại giao để tác động lên những tính toán của Mỹ và Trung Quốc.


Kể từ khi thắng cử năm 2013, Thủ tướng Australia Tony Abbot đã tích cực tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản, chỉ trích Công đảng cầm quyền trước đó đã “bỏ quên” mối quan hệ này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh tháng 4/2014 tại Canberra, Thủ tướng Abbott và Thủ tướng Nhật Sinzo Abe đã ký kết FTA và các thỏa thuận hợp tác quốc phòng cũng như chuyển giao công nghệ quốc phòng. Hai vị Thủ tướng đã mô tả quan hệ giữa hai nước là “quan hệ đặc biệt”.


Gần đây nhất, Australia đã lên tiếng ủng hộ Nhật Bản giải thích lại Hiến pháp, cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản giúp các đồng minh trong những hoàn cảnh nhất định. Australia cũng đã phản ứng mạnh mẽ khi Trung Quốc tuyên bố ADIZ tại khu vực tranh chấp ở biển Hoa Đông và hạ đặt trái phép giàn khoan tại khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.


Trong khuôn khổ chuyến thăm Australia đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản từ năm 2002 đến nay, Canberra và Tokyo đã đạt được một thỏa thuận quốc phòng “chưa từng thấy” giữa hai nước, mà trọng tâm là việc Nhật Bản cung cấp tàu ngầm cho Australia. Theo đó, trong khuôn khổ dự án mang ký hiệu SEA-1000 của Australia, Hải quân nước này sẽ thay thế 7 tàu ngầm cũ kỹ lớp Collins hiện có bằng 12 tàu ngầm diezel-điện lớp Soryu theo công nghệ mới nhất của Nhật Bản.


Điều hấp dẫn Hải quân Australia là công nghệ Nhật Bản cho phép tàu ngầm Soryu mất ít thời gian nổi lên trên mặt nước hơn các loại tàu ngầm quy ước khác. Theo chuyên gia Brendan Nicholson, tàu ngầm lớp Soryu là loại tàu ngầm desel-điện lớn nhất và có thể là tốt nhất thế giới hiện nay, và được cho là thích hợp nhất đối với hải quân Australia.


Việc Australia quyết định mua tàu ngầm của Nhật có thể khiến Trung Quốc nhìn nhận về một liên minh đang dần hình thành giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia ở Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc.


Cuối tháng 7/2014, tại căn cứ hải quân Sasebo ở miền Nam Nhật Bản đã diễn ra một cuộc tập trận hải quân hỗn hợp của ba nước Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Đây vốn là cuộc tập trận thường niên song phương Mỹ-Ấn, nhưng năm nay lại đặc biệt có Nhật tham gia.


Còn “đặc biệt “ hơn, cuộc tập trận “Malabar” này lần đầu tiên được chuyển dịch từ khu vực vịnh Bengal ở Ấn Độ Dương sang khu vực phía Tây Thái Bình Dương. Mặc dù kịch bản chính thức là “chống khủng bố và cướp biển” song ai cũng biết, khu vực tập trận lần này chưa bao giờ xảy ra “khủng bố” hay “cướp biển” mà liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Giới quan sát cho đây là một thông điệp mà cả Washington, New Delhi lẫn Tokyo muốn gửi đến Trung Quốc.


Trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ- Narendra Modi, từ 31/8 đến 3/9/2014, hai bên đã thỏa thuận đưa quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược toàn cầu”. Đây là chuyến đi nước ngoài quan trọng nhất từ khi ông Modi thắng cử Thủ tướng Ấn Độ và được xem như một nỗ lực của hai nước trong việc cân bằng quyền lực đang lên của Trung Quốc tại châu Á, nhất là trong bối cảnh cả Ấn Độ và Nhật Bản đều có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.


Tại hội đàm, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói về “tiềm năng chưa được khai phá của hai nền dân chủ lớn nhất châu Á, còn Thủ tướng Ấn Độ Modi đề cập những “bất định trước mắt tại châu Á” đòi hỏi “trách nhiệm lớn hơn từ cả Nhật và Ấn Độ. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh, như tăng cường năng lực chống tấn công mạng, tiến hành huấn luyện chung nhằm nâng cao khả năng tuần tra trên biển trong bối cảnh lo ngại Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các cảng biển trên Ấn Độ Dương, là tuyến đường giao thông huyết mạch vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông về Nhật Bản.


Hiện nay, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và hải quân Ấn Độ đang tiến hành huấn luyện chung. Lực lượng bảo vệ biển hai nước cũng đang tiến hành hợp tác chống cướp biển. Trong “tình huống hữu sự”, Lực lượng phòng vệ Nhật và hải quân Ấn Độ sẽ có hình thức hợp tác “phù hợp”.


New Delhi và Tokyo cũng dự kiến thiết lập cơ chế đối thoại 2+2 ở cấp Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, theo như mô hình Nhật Bản đã thiết lập với Mỹ, Nga và Australia.


Đặc biệt, hai bên đã đạt được Thỏa thuận hạt nhân dân sự (bắt đầu đàm phán từ năm 2010) để Nhật Bản có thể cung cấp công nghệ hạt nhân cho Ấn Độ. Về phần mình, Nhật Bản sẽ giúp Ấn Độ phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, các hành lang công nghiệp như hành lang Delhi-Mumbai.


Ngay sau đó, vào ngày 4/9/2014, trong chuyến thăm của Thủ tướng Australia Abbott đến New Delhi, Australia và Ấn Độ cũng đã ký Thỏa thuận hạt nhân dân sự, mở đường cho việc nhập khẩu uranium từ Australia, và Canberra trở thành một trong những đối tác chiến lược của New Delhi. Thủ tướng Ấn Độ đã tuyên bố coi Australia là đối tác chiến lược quan trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ trên.


Mặc dù sự tương tác Mỹ-Trung vẫn sẽ là mối quan hệ song phương định hình khu vực châu Á, các “cường quốc trung bình” cho thấy họ có vai trò ngày càng quan trọng. Các nhà phân tích cho rằng, sự tích cực của các nước này sẽ giúp củng cố tính đa cực ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khuyến khích Mỹ tiếp tục can dự mà không khiêu khích Trung Quốc, trong khi cũng không bị xem là hoạt động “bao vây” do Mỹ lãnh đạo cũng như đối trọng lại lập luận “châu Á của người châu Á” của Trung Quốc.


Đăng Song



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.