Theo chương trình kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII, sáng nay (27/10), Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi). Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đưa ra một số vấn đề xin ý kiến QH như: bố cục và phạm vi điều chỉnh dự thảo luật; về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; về việc không quy định thời hiệu khởi kiện; về hình thức sở hữu...
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Ảnh minh họa |
Về quy định áp dụng tập quán và áp dụng tương tự pháp luật (Điều 12 và Điều 13), theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Bộ luật kế thừa Bộ luật Dân sự hiện hành và một số đạo luật tiếp tục quy định cho phép áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật với điều kiện các tập quán và việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Ủy ban pháp luật nhận thấy, việc áp dụng các quy định này trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc:
Thứ nhất, việc áp dụng tập quán đã được ghi nhận trong các văn bản pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, Tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định này để giải quyết tranh chấp, vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Các văn bản pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng.
Thứ hai, áp dụng quy định tương tự của pháp luật chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, Luật tổ chức tòa án nhân dân và các luật về tố tụng đều quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy, vấn đề thế nào là “áp dụng quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự” cần được quy định trong Bộ luật Dân sự để làm cơ sở pháp lý cho việc vận dụng tập quán và áp dụng quy định tương tự của pháp luật khi xét xử.
Thứ ba, "dựa trên lẽ công bằng" để xem xét, giải quyết là một quy định mới, trong khi đó chưa có quy định thế nào là "lẽ công bằng".
"Ủy ban pháp luật đề nghị, để bảo đảm tính khả thi của các quy định này, cần quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong BLDS làm căn cứ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu ý kiến.
Trong khi đó, đề cập đến quy định về tôn trọng, bảo vệ quyền dân dự (Điều 21 và 22), Ủy ban Pháp luật cho rằng, Dự thảo Bộ luật Dân sự quy định một Chương mới (Chương II phần thứ nhất về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự), trong đó xác định: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Bộ luật này được áp dụng để xem xét, giải quyết” (Điều 21); “Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp quyết định cá biệt bị hủy thì quyền dân sự bị vi phạm được khôi phục hoặc được bảo vệ bằng các phương thức quy định tại Điều 17 của Bộ luật này” (Điều 22).
"Ủy ban pháp luật tán thành về mặt chủ trương là cần có những biện pháp nhằm xác lập, bảo vệ các quyền dân sự, bảo vệ các quyền con người và quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, đối với các nội dung mới được bổ sung tại Điều 21 và Điều 22 của dự thảo Bộ luật, đề nghị cân nhắc các nội dung này có thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự hay các đạo luật về tố tụng", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 21 dự thảo Luật cho phép Tòa án áp dụng quy định tương tự khi chưa có luật điều chỉnh và đề nghị xem xét để quy định nội dung này không mâu thuẫn với nguyên tắc thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp.
Bình Minh
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét