Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Cảnh báo trẻ dưới 4 tuổi hay nuốt các dị vật

Cảnh báo trẻ dưới 4 tuổi hay nuốt các dị vật

Chiều 14/7, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (TP.Đồng Hới, Quảng Bình) cho hay đang tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nhỏ tuổi có dị vật trong bụng.












Ảnh phim thể hiện trong bụng cháu bé đang có một cái đinh vít
Ảnh phim thể hiện trong bụng cháu bé đang có một cái đinh vít

Theo Thanh niên, sáng 14/7, người nhà đã đưa một bé trai 3 tuổi (trú xã Lộc Ninh, TP.Đồng Hới) vào bệnh viện này cấp cứu. Qua thăm khám, chụp phim, các bác sĩ phát hiện một chiếc đinh vít xoắn dài khoảng 3 cm nằm trong ổ bụng cháu bé. Theo người nhà cháu bé, chiếc đinh này đã trôi tuột vào cổ họng sau khi cháu bé nhặt được ở nền nhà và bỏ vào miệng ngậm.


May mắn là chiếc đinh vít vào thực quản xuống ruột nên không gây nguy hiểm tính mạng, không phải phẫu thuật mà chỉ cần theo dõi dị vật ra ngoài theo đường tiêu hóa.


Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi T.Ư đã cấp cứu một số trẻ nuốt các dị vật. Các trẻ khi đến cấp cứu đều trong tình trạng nguy hiểm, như tắc thở, tắc ruột... phải tiến hành nội soi gắp dị vật.


Bé Tr.H.L. (20 tháng tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) được đưa đến BV Nhi T.Ư trong tình trạng ho sặc sụa, hô hấp khó khăn. Sau khi chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện có dị vật bằng kim loại tròn trong khí quản. Mẹ bệnh nhân cho biết con mình đã nuốt phải đầu tròn của chiếc bấm móng tay trong lúc chơi. Lập tức, các bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật. Xác định đây là dị vật đường thở rất nguy hiểm và rất khó gắp do dị vật tròn và di động, nên các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định nội soi phế quản cấp cứu. Sau hơn 15 phút, đã gắp thành công dị vật. Dị vật nằm trong đường thở ở bệnh nhân nhi nhỏ tuổi rất nguy hiểm, nên các bác sĩ đã phải rất thận trọng khi tiến hành nội soi.


BV cũng đã cấp cứu cho cháu K (14 tháng tuổi, ở Hà Nội) bị tắc ruột do nuốt dị vật. Cháu K đến viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, nôn ra dịch vàng. Qua thăm khám, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị tắc ruột do nuốt dị vật, nên quyết định mổ nội soi và gắp ra được 4 hạt kim loại nhỏ (loại có gắn trên các vương miện đồ chơi). Các bác sĩ đã phải cắt đoạn ruột bị tổn thương có chứa dị vật khoảng 5cm, sau đó nối lại ruột. Theo lời người nhà, khoảng 3 ngày trước đó, trẻ quấy khóc, ăn uống kém đi, không đi ngoài được, trẻ quấy khóc liên tục, kèm theo nôn dịch màu xanh sau ăn uống. Trước đó, K có chơi với mũ vương miện, nên có thể vô tình nuốt phải các hạt nhỏ đính trên mũ mà gia đình không biết.


Một trẻ khác đã được các bác sĩ cứu sống khi nuốt một đoạn găng tay cao su. Cháu Đ.P.A (2 tuổi, ở Bắc Ninh), được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp. Sau khi tiến hành ca nội soi phế quản, các bác sĩ đã gắp ra được dị vật là đoạn găng cao su kích thước 5 x 1.5cm... Trường hợp cháu Lê M. N. (13 tháng tuổi, ở Vĩnh Phúc) đến viện trong tình trạng quấy khóc, thở ậm ạch, sưng vùng đỉnh đầu do ngã đập đầu xuống đất. Trẻ được chẩn đoán chấn thương sọ não, viêm phế quản phổi và nghi ngờ có dị vật ở trong đường thở. Gia đình bé N. cho biết, cháu bị ngã và trước khi ngã có ngậm hạt ngô trong miệng. Các bác sĩ đã nội soi, gắp ra được hạt ngô nằm trong phế quản của bé.


Qua một số trường hợp trên, các bác sĩ BV Nhi T.Ư khuyến cáo, nuốt phải dị vật là một trong những tai nạn nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân chính là do cha mẹ bất cẩn, không để ý tới con. Trẻ em thường có thói quen đưa các vật vào mồm. Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh hoặc sau một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi... Trẻ dưới 4 tuổi thường hay nuốt các dị vật.


Dị vật đường thở là những chất vô cơ hay hữu cơ mắc vào thanh quản, khí quản hoặc phế quản. Thường gặp nhiều nhất là hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt na, hạt nhãn, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc... Do đó, để phòng ngừa trẻ nuốt dị vật, các bậc phụ huynh nên quan sát khi trẻ chơi đùa, không cho trẻ chơi các đồ có kích thước nhỏ, sắc nhọn hoặc có nhiều chi tiết nhỏ. Nếu nghi ngờ trẻ nuốt dị vật, phải nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện ngay.


P.Vy (tổng hợp)



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.