Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Chợ cũ mất ATGT, chợ mới tiền tỷ vẫn đang "trùm mền"

Chợ cũ mất ATGT, chợ mới tiền tỷ vẫn đang "trùm mền"

Chợ Đức Minh (xã Đức Minh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng hàng tỷ đồng đã hoàn thành hơn 1,5 năm, nhưng đến nay đang bị “bỏ hoang”. Trong khi tại khu vực chợ cũ, việc lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán, gây cản trở giao thông vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện”.


Chợ Đức Minh mới được xây dựng tại xã bãi ngang ven biển Đức Minh vào năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng từ nguồn vốn của chương trình bãi ngang ven biển (chương trình 257) và ngân sách địa phương, do UBND xã Đức Minh làm chủ đầu tư. Với diện tích 8400m2, gồm: 2 nhà lồng, 32 ki ốt... dự kiến bố trí cho hơn 400 hộ buôn bán ổn định.











Chợ Đức Minh được xây dựng hàng tỷ đồng hoàn thành từ năm 2012 nhưng hiện vẫn đang bị
Chợ Đức Minh được xây dựng hàng tỷ đồng hoàn thành từ năm 2012 nhưng hiện vẫn đang bị "bỏ hoang"

Năm 2012, chợ Đức Minh đã được xây dựng hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Thật xót xa khi chợ được xây dựng hàng tỷ đồng này trong thời gian qua được những người dân sống xung quanh tận dụng làm sân phơi nông sản, chăn thả gia súc, gia cầm...


Trong khi đó, cách chợ mới xây hàng tỷ đồng này không xa, chợ cũ tọa lạc bên tuyến đường liên xã thường diễn ra tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để buôn bán. Dọc theo tuyến đường trước chợ kéo dài hơn cả trăm mét có đủ các loại từ quần áo, giày dép, đến rau, hoa quả, cá, gà, vịt... được người dân “khoe” ra mặt đường. Đường thành chợ, nên người đi chợ cũng vô tư dừng xe ngay trên đường để mua hàng, bán hàng... Cứ thế, “người bán, kẻ mua” lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông. Những người kinh doanh buôn bán và người dân đi chợ băng qua đường cũng không chú ý đến xe cộ đang lưu thông qua lại nên rất dễ gây tai nạn.


Khi được hỏi vì sao cứ liều mạng họp chợ lấn chiếm lòng lề đường, những người kinh doanh buôn bán nơi đây trả lời rằng, mặc dù biết việc họp chợ trên đường là rất nguy hiểm cho bản thân và gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ TNGT, nhưng vì chợ mới chưa được đưa vào sử dụng nên vì “miếng cơm manh áo” họ vẫn cứ… biến đường thành chợ.











Người dân tận dụng chợ mới đang bị “bỏ hoang” làm nơi cắt, phơi thuốc lá và chăn thả gia súc, gia cầm
Người dân tận dụng chợ mới đang bị “bỏ hoang” làm nơi cắt, phơi thuốc lá...

Theo ông Võ Minh Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh, do chợ cũ quá chật hẹp nhưng không thể mở rộng. Nhu cầu buôn bán của người dân ngày càng nhiều, nên địa phương đã quyết định chọn địa điểm để xây dựng chợ mới quy mô và khang trang hơn. Vào thời điểm trên, nguồn kinh phí chương trình bãi ngang ven biển không nhiều mà ngân sách địa phương cũng hạn hẹp, nên xã đã đồng ý cho một doanh nghiệp địa phương tạm ứng tiền thêm để xây chợ mới và sau khi chợ mới hoàn thành xã sẽ tiến hành đấu giá, thu tiền các tiểu thương để trả lại tiền cho doanh nghiệp, nhưng sau đó tỉnh có quy định mới nên chợ mới cũng chưa được đưa vào sử dụng.


Ông Minh cho biết, khi chợ xây xong cũng là thời điểm UBND tỉnh có văn bản mới quy định việc đấu giá với số tiền 10 triệu đồng trở lên phải được sự cho phép của cấp thẩm quyền tỉnh, thay vì do UBND cấp huyện quyết định như trước đó, nên xã phải làm hồ sơ thủ tục để xin phép, dẫn đến việc đưa chợ mới vào sử dụng bị chậm trễ. Dự kiến đến tháng 5/2014 sẽ hoàn tất thủ tục đấu giá và xã Đức Minh sẽ đưa chợ mới này vào hoạt động để các tiểu thương và người dân thuận tiện trong kinh doanh buôn bán, đồng thời “xóa sổ” thêm một điểm họp chợ lấn chiếm đường gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.


Bùi Duy – Chi Nguyên



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.