Ánh Viên giành 3 HC vàng và phá 2 kỷ lục SEA Games, HLV Đặng Anh Tuấn vẫn không hài lòng với thành tích của học trò và cho rằng nếu cải thiện vấn đề tâm lý, cô còn có thể giành được thêm 3 HC vàng khác.
Ánh Viên mới 17 tuổi và còn nhiều thời gian để trưởng thành về mọi mặt. Ảnh: Đức Đồng |
HLV Đặng Anh Tuấn tiết lộ: “Sau ngày đầu tiên giành 2 HC vàng và phá kỷ lục SEA Games, Ánh Viên rơi vào trạng thái hưng phấn tinh thần khiến em bị mất ngủ suốt đêm hôm đó. Ngày hôm sau, kết quả thi đấu lập tức sa sút ngay khiến Viên bị mất HC vàng ở nội dung 400 m tự do”.
“Vào thời gian này ở Việt Nam, ai cũng nói đến SEA Games nên bản thân các VĐV khi đọc báo đài cũng bị tác động tâm lý mạnh. Ánh Viên khi bước vào thi nội dung 100 m ngửa với Li Tao đã thực hiện bài thi không tốt do vấn đề tâm lý. Đáng lẽ chính Li Tao mới là người bị tâm lý vì lo ngại trước sự tiến bộ nhanh của Ánh Viên nhưng điều ngược lại đã diễn ra”, HLV Đặng Anh Tuấn bộc bạch.
Trên thực tế, Ánh Viên đã dự rất nhiều giải đấu lớn như Olympic, giải vô địch thế giới, châu Á, Đông Nam Á cùng cả chục giải Grand Prix tại Mỹ nhưng chưa có giải nào cô được truyền thông và dư luận quan tâm như tại SEA Games 27. Sự kỳ vọng của đám đông đã dội áp lực lên khiến "cô gái vàng" không đạt được những chỉ số đáng ra phải làm được.
Không chỉ Ánh Viên mà nhiều niềm hy vọng khác của Việt Nam cũng gặp vấn đề tâm lý nặng ở SEA Games dù tầm vóc của giải này nhỏ hơn nhiều các giải khác. Người hâm mộ cầu lông từng nhiều lần xót xa khi biết Tiến Minh phải “một mình, một ngựa” ở các giải đấu lớn hàng năm nên gặp nhiều bất lợi. Thế nhưng, khi VnExpress đặt câu hỏi với Tiến Minh về sự khác biệt giữa SEA Games với các giải Super Series lớn thì anh lại khẳng định: “Thực tế khi dự các giải Super Series với các đối thủ mạnh hơn, tôi dễ đánh hơn nhiều vì tâm lý thoải mái và chỉ tập trung vào thi đấu. Còn khi dự SEA Games, dù được cổ vũ trên khán đài nhưng tôi không có cảm giác tốt như khi thi đấu ở các giải kia”.
Hai VĐV từng dày dạn ở các đấu trường quốc tế còn bị tâm lý nặng ở SEA Games nên dễ hiểu những thành tích của những VĐV trẻ lần đầu đến với đấu trường này sẽ tác động mạnh bởi yếu tố tâm lý. Trường hợp niềm hy vọng vàng Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 400 m là một ví dụ. Trước thềm SEA Games, Oanh được dự đoán là một trong những gương mặt sáng giá nhất của đội điền kinh với chỉ số thành tích vượt xa các đối thủ trong khu vực. Thế nhưng, khi bước vào thi đấu, Oanh tỏ ra rất căng thẳng và mắc sai lầm trong phân phối sức dẫn đến hụt hơi ở 20 m cuối cùng và đánh mất HC vàng về tay đối thủ gạo cội của Thái Lan Treewadee Yongphan.
HLV trưởng đội điền kinh Dương Đức Thủy cho biết: “Nhiều VĐV thiếu những kỹ năng cơ bản khi giao tiếp trước truyền thông hay ứng xử trước đám đông nên thường không thoải mái khi ở trong những môi trường này. Điều đó tác động đến tâm lý khiến VĐV không đạt thành tích tốt”.
Từ đầu SEA Games 27 đến nay, rất nhiều HC vàng hụt của đoàn Việt Nam đến từ “bệnh run”. Chữa căn bệnh này có nhiều cách như cho VĐV thi đấu quốc tế thật nhiều hoặc tập các bài đặc trị về tâm lý. Ví dụ rõ nhất là trường hợp HLV bắn súng Nguyễn Thị Nhung đã chữa khỏi “bệnh run” cho VĐV Hoàng Xuân Vinh nhờ 2 cách nêu trên.
Theo VnE
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét