Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

Dụ 4 thiếu nữ Khơmer qua Trung Quốc, "má mì" lĩnh án 20 năm tù

Dụ 4 thiếu nữ Khơmer qua Trung Quốc, "má mì" lĩnh án 20 năm tù

Ngày 25/12, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra xét xử và tuyên phạt Nguyễn Sa Ry (SN 1957, tên gọi khác là Út, dân tộc Khơmer, trú huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) 20 năm tù về tội “Mua bán người” và “Mua bán trẻ em” theo quy định tại Điều 119, 120 Bộ Luật Hình sự.


Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Nam, vào khoảng tháng 3/2013, trong một lần đi chợ ở huyện Tri Tôn, Nguyễn Sa Ry gặp và quen với một người phụ nữ tên Hà (không rõ lai lịch), 2 người cho số điện thoại di động của nhau. Sau đó, Hà gọi điện cho Ry tìm nữ từ mười mấy đến dưới 30 tuổi giao cho Hà để Hà đưa qua Trung Quốc làm gái bán dâm, Hà sẽ trả tiền cho Ry, nếu đẹp thì nhiều tiền, còn xấu hoặc đen thì trả 3 triệu đồng/người, đồng thời hoàn trả lại toàn bộ chi phí trên đường đi và số tiền mà gia đình các bị hại ứng trước (nếu có), và Ry đồng ý.


Sau đó, lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn của người dân trên địa bàn huyện Tri Tôn, Ry gặp gỡ các trẻ em gái, phụ nữ và gia đình họ nói dối là sẽ đưa họ đi bán cà phê tại quận 3 (TP. HCM) với mức lương 5 triệu đồng/1 tháng, nếu gia đình nào cần ứng tiền trước thì Ry cho ứng. Khi dụ dỗ được các em gái và phụ nữ, Ry giao họ cho Hà đưa qua Trung Quốc làm gái bán dâm để lấy tiền tiêu xài.











Nguyễn Sa Ry trước vành móng ngựa TAND tỉnh Quảng Nam ngày 25/12/2013
Nguyễn Sa Ry trước vành móng ngựa TAND tỉnh Quảng Nam ngày 25/12/2013

Với thủ đoạn đó, ngày 18/7/2013, Ry dụ dỗ 2 chị Neáng Ray (SN 1982, trú ấp Tô Hạ, xã Núi Tô), Neáng KhơNa (SN 1997, trú ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) và 2 cháu Dương Neáng Linh (SN 1998, trú ấp Tô Lợi, xã Cô Tô), Neáng Dane (SN 1997, trú ấp Tô Thuận, xã Núi Tô), đều là những người dân tộc Khơmer, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Ry đã cho gia đình cháu Linh ứng trước 5 triệu đồng. Các chị Neáng Ray, Neáng KhơNa và các cháu Dương Neáng Linh, Neáng Dane tưởng là đi bán cà phê tại quận 3 (TP. HCM) thật nên đồng ý đi cùng Ry.


Ry điện thoại thông báo cho Hà biết là đã tìm được 4 người, sau đó Ry đón xe khách đưa 4 người này từ Bến xe Tri Tôn đi Bình Dương, rồi đến Bến xe Miền Đông (TP. HCM). Tại đây, Ry tiếp tục mua vé xe khách Hoàng Long đưa 4 người trên ra Hà Nội để sau đó đón xe đi Móng Cái giao cho Hà đưa qua Trung Quốc làm gái bán dâm.


Trên đường ra Hà Nội, lúc 18h30 ngày 20/7/2013, khi xe dừng tại quán cơm Mai Tú (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) để hành khách ăn cơm. Người dân nhận thấy người phụ nữ đi cùng 4 cô gái trên có các biểu hiện không bình thường, hứa hẹn nhiều điều với các cô gái và đặc biệt là luôn hối thúc mỗi khi một trong số các cô gái đi đâu… nên đã nghi ngờ và gọi điện cho cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam.


Nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam liền phối hợp với Công an huyện Thăng Bình xác minh, điều tra vụ việc. Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Sa Ry, còn các bị hại được đưa về nơi cư trú.











Ngày 25/12, Nguyễn Sa Ry đã bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 20 năm tù về tội
Ngày 25/12, Nguyễn Sa Ry đã bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 20 năm tù về tội "Mua bán người" và "Mua bán trẻ em"

Ngoài ra, Nguyễn Sa Ry còn khai nhận, khoảng tháng 5/2013 đã dụ dỗ đưa Chau Thị Sóc (còn gọi là Yên, SN 1973) và Chau Kim Thanh (SN 1991, cùng trú ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) đến Bến xe Miền Đông giao cho Hà và Hà đã đưa 2 người này qua Trung Quốc. Hà trả cho Ry 200.000 đồng để đi xe về và hứa lần sau sẽ thanh toán đủ số tiền theo thỏa thuận. Tiếp đến, tháng 6/2013, Ry tiếp tục dụ dỗ đưa Neáng Kim Liên (SN 1991, trú ấp Tô Hạ) và người phụ nữ tên Thanh (khoảng 25 tuổi, có chồng tại khóm 5, khu Chòm Dừa, thị trấn Tri Tiin, huyện Tri Tôn) đến Bến xe Miền Đông, sau đó Ry đưa 2 người này cùng Hà qua Trung Quốc và Hà trả cho Ry số tiền 10 triệu đồng. Trong chuyến đi này, Ry ở lại tại nhà Hà tại Trung Quốc (không xác định được địa chỉ cụ thể) khoảng 3 ngày.


Khoảng đầu tháng 7/2013, Hà chuyển cho Ry 20 triệu đồng (qua tài khoản của cháu tên là Đảo, không rõ lai lịch) để Ry trả nợ thay cho Chau Kim Hương (SN 1997, trú khóm 5, thị trấn Tri Tôn) rồi đưa Hương qua Trung Quốc giao cho Hà làm gái bán dâm. Sau khi trả nợ cho Hương, thì bà Nguyễn Thị Nga (mẹ Hương) không cho Hương đi, nên Ry không giao Hương cho Hà được. Bà Nga đã viết giấy nhận nợ của Ry số tiền trên...


Tại cơ quan điều tra, lúc đầu đối tượng Nguyễn Sa Ry một mực chối tội, không khai nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, sau đó, đối tượng Ry đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình là tham gia dụ dỗ, mua bán phụ nữ trái quy định của pháp luật trong thời gian qua.


HĐXX Tòa án Nhân dân Quảng Nam tuyên phạt Nguyễn Sa Ry 11 năm tù về tội “Mua bán trẻ em”, 9 năm tù về tội “Mua bán người”, tổng hình phạt là 20 năm tù giam.


Duy Lợi



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.