Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Về nơi những ngôi nhà chỉ còn là…dấu tích sau bão!

Về nơi những ngôi nhà chỉ còn là…dấu tích sau bão!

4 mẹ con chỉ có 1 căn nhà sống tạm bợ, vậy mà trong phút chốc gió lốc đã cuốn bay cả. Giờ cả nhà đành phải chịu cảnh màn trời chiếu đất ăn mì tôm qua ngày. Đó là hoàn cảnh của gia đình chị Võ Thị Gon thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, 1 trong 117 hộ gia đình bị sập nhà ở huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình.












Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ trao quà cho đồng bào
Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ GTVT trao quà cho đồng bào

Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi cùng đoàn cứu trợ đồng bào bão lụt miền trung của Đoàn Thanh niên Bộ GTVT đến xã Quảng Xuân huyện Quảng Trạch, nơi trong gần 1 tháng phải hứng chịu liên tiếp bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 tàn phá. Hậu quả là hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng trăm ha hoa màu, cây trồng gãy đổ, hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh khốn khó… thiệt hại chồng thiệt hại.


Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Quảng Trạch cho biết: Chưa bao giờ người dân Quảng Trạch phải chịu thiệt hại nặng nề như vậy, 12 người chết, 200 người bị thương, 42/50 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái một phần, 1860 nhà tốc mái hoàn toàn, gần 200 ngôi nhà bị sập, 265 tàu thuyền trôi dạt mắc cạn… thiệt hại lên đến trên 3.300 tỷ đồng. Trong đó bị thiệt hại nặng nhất là 4 xã: Quảng Sơn, Quảng Minh, Quảng Văn, Quảng Xuân nơi cơn lốc xoáy đi qua.











Phút giây chia sẻ nỗi đau mất mát của chị Thoan
Phút giây chia sẻ nỗi đau mất mát của chị Thoan

Gần nửa tháng sau khi trận bão số 10 và 11 đổ bộ vào miền trung, nhưng những tàn tích của cơn bão lịch sử vẫn còn hằn in trên khắp các vùng quê nghèo. Suốt quãng đường dài hơn 10km đi từ Thị trấn Ba Đồn đến xã Quảng Xuân, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng khiến cảnh cây cối đổ ngổn ngang, những mái nhà loang lổ vì ngói vỡ. Rẽ vào con đường đất lầy lội, 1 túp lều phủ bạt nằm cạnh đống gạch ngói đổ nát là ngôi nhà của gia đình chị Võ Thị Gon, ngôi nhà chỉ còn lại dấu tích sau bão.


Chị Gon cho biết: “Nhà nỏ có đàn ông chi cả, mình tôi với 3 đứa con ni, đứa lớn nhất mới 13 tuổi, đứa ni (cậu on trai út) nớ mới 3 tuổi. 4 mẹ con trông vào mấy xào lúa và đi làm thuê sống qua ngày. Nghèo quá, tỉnh xây cho căn nhà tình thương, ngày đớ bão số 10 về nớ làm tốc mái, phải gần 1 tuần mới sửa xong. Ngói mới vừa lợp chưa trả tiền thì cơn bão tê lại đến cuốn đi mô cả. 4 mẹ con chừ phải bồng nhau đi ở đợ được ngày mô hay ngày đó”.











Ngôi nhà tạm của chị Thoan sau bão
Ngôi nhà tạm của chị Thoan sau bão

Mưa bão dồn dập, khiến cho cuộc sống vốn đã khó nay càng thêm khó, chị Gon giờ cũng chẳng còn biết mình phải mong ước điều gì bởi hiện tại cái gì chị cũng không có, thứ tài sản to lớn nhất của đời chị là ngôi nhà tình thương thì cũng đã bị hỏng, 3 đứa con cũng sắp phải chịu cảnh thất học vì không tiền.


Đáng thương hơn là hoàn cảnh của gia đình chị Võ Thị Mỹ Thoan ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân. Chồng đi biển gặp bão không trở về đã 13 năm, bỏ lại chị Thoan cùng 4 đứa con thơ dại.


13 năm chồng mất, cũng là 13 năm chị một mình tần tảo nuôi con ăn học. Cả 4 người con của chị đều học giỏi và đỗ đại học cả. Trớ trêu thay, trận lốc xoáy hôm 16/10 đã làm nhà chị bị sập hoàn toàn, toàn bộ đồ dùng trong nhà bị hỏng cả, hiện chị đang phải sống trong túp lều dựng tạm cho. Chị Thoan kể lại giây phút kinh hoàng cơn lốc đi qua: “Bữa đó tôi đang chuẩn bị lấy cơm ăn, thấy tiếng ầm ầm như sấm, rồi cả mảng ngói to chừng 2m cuộn đến vèo, nước mưa, ngói vỡ rơi kín nhà như bom dải thảm. Tôi vội bỏ hết đó mở bung cửa chạy ra ngoài ni, vừa ra khỏi cửa thì nó sập đến rầm, chẳng còn chi cả”.











Chị Gon cùng người con 3 tuổi còn chưa hết bàng hoàng với những mất mát
Chị Gon cùng người con 3 tuổi còn chưa hết bàng hoàng với những mất mát do thiên tai gây ra

3 ngày sau đó chị Thoan phải ngủ nhờ hàng xóm, chờ mưa tạnh mới dám trở lại nhà thu dọn lại đồ đạc quần áo. 4 người con của chị Thoan, 1 người đã lấy chồng xa, 3 đứa còn lại đang học ở Huế cả. “Bữa đó chúng gọi điện về cho mẹ vừa khóc vừa nói: trong đó cũng bão lớn lắm, nước ngập cả phòng, nỏ (không) có điện, nước chi cả khổ quá. Nghe vậy, tôi chỉ biết khóc thôi, chứ nỏ dám nói nhà sập. Sợ chúng bỏ học rứa”-chị Thoan kể lại.


“Mấy bữa ni nhà sập rồi, lúa gạo ướt hết cả, mấy hôm trời có chi ăn, vẫn gắng gượng đi làm lấy tiền gửi cho con. Thỉnh thoảng bà con trong xóm thương tình cho thêm bát cơm, miếng cá rứa thôi”. Nói đến đây, nước mắt chị tứa ra, chị Thoan ôm quàng lấy các thành viên trong đoàn mà khóc. Dường như ông trời không thương xót mà liên tiếp đè nén, gây những nỗi đau vượt ngoài sức chịu đựng của người đàn bà khốn khó.


Nhận được quà cứu trợ, chị không thể nói được câu chi, chỉ biết chắp 2 tay mà…vái. Trước hoàn cảnh đáng thương và khâm phục nghị lực phi thường của chị, các thành viên trong đoàn mỗi người lại góp một ít tiền, biếu chị mua thêm gạo ăn cho đỡ khổ. Cũng tại đây, ông Thịnh cho biết, ngay trong chiều mai, huyện sẽ chuyển 20 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình chị và cử đoàn thanh niên xuống giúp chị dựng lại nhà.


Trong đợt tổ chức ủng hộ đồng bào bão lụt Quảng Bình, Đoàn thanh niên Bộ GTVT, Công đoàn cơ quan bộ đã quyên góp ủng hộ được 100 triệu đồng, 750 kg gạo, 700 cuốn vở, 300 cây bút để giúp đỡ người dân và các em học sinh ở huyện Quảng Trạch sớm vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống. Toàn bộ số tiền và các vật phẩn đã được đoàn chuyển đến tận tay người dân.


Văn Thanh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.