Chiều 31/10, gần 80 học viên lớp Bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa 2 của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã nghe Bộ trưởng Đinh La Thăng trực tiếp báo cáo về thực tiễn quy hoạch và phát triển GTVT ở Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, kết cấu hạ tầng đang là điểm nghẽn của nền kinh tế và cần sớm tháo gỡ để đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại. Trong đó, hạ tầng giao thông phải tiên phong, đi trước một bước. Thực hiện chủ trương này, trong những năm qua, ngành GTVT đã huy động mọi nguồn lực, không chỉ trông chờ vào ngân sách mà kêu gọi mạnh mẽ từ xã hội hóa để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn cả nước.
Bộ trưởng cho biết, hệ thống đường bộ Việt Nam hiện có khoảng hơn 295 nghìn km. Trong đó có 96 tuyến quốc lộ với chiều dài khoảng 18.500km. So với các nước trên thế giới, chiều dài quốc lộ của Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 30% so với Nhật và Anh. Mật độ quốc lộ cũng chiếm tỷ lệ rất thấp, bằng 50% so với Philippin và Thái Lan. Mạng lưới đường tỉnh lộ chỉ dài hơn đường quốc lộ khoảng 30%. Trong khi đó, ở đa số các nước phát triển, mạng lưới đường tỉnh thường dài tối thiểu gấp đôi đường quốc lộ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày quy hoạch phát triển GTVT Việt Nam |
Đối với đường sắt, hiện tổng chiều dài chính tuyến khoảng 2.632km. Đường biển có 31 cảng biển với 167 bến cảng, 351 cầu cảng. Tổng chiều dài cầu cảng khoảng trên 40 nghìn mét. Đường thủy nội địa có tổng chiều dài khai thác 15 nghìn km và 7.287 cảng, bến thủy nội địa. Về hàng không, hiện cả nước có 21 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng hàng không quốc tế.
“Từ năm 2011, Bộ GTVT đã triển khai rà soát, trình Thủ tướng phê duyệt, điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT VN đến 2020, tầm nhìn 2030. Đến nay, Bộ GTVT đã trình, duyệt 27 đề án quy hoạch, 32 đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Bộ cũng xây dựng phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng kinh tế trong toàn quốc để đầu tư các công trình giao thông quốc gia và địa phương một cách đồng bộ” – Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thời gian qua, để phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã chú trọng đặc biệt đến công tác huy động vốn. Sau 3 năm, ngành GTVT đã huy động được khoảng 90.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách để thực hiện các dự án theo hình thức BOT. Đồng thời, Bộ GTVT cũng rà soát, điều chỉnh quy mô và phân kỳ đầu tư các công trình giao thông cho phù hợp với điều kiện vốn và nhu cầu thực tiễn. Đến nay, Bộ GTVT đã cắt giảm được khoảng 20 nghìn tỷ đồng tổng mức đầu tư các dự án, công trình.
Bộ trưởng Đinh La Thăng mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp về quy hoạch, chiến lược phát triển GTVT từ các học viên của lớp dự nguồn cán bộ cao cấp - những thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu và tiếp thu một cách nghiêm túc để điều chỉnh, phát triển một cách hợp lý và hiệu quả nhất.
Bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Bộ trưởng Đinh La Thăng và lãnh đạo Bộ GTVT, PGS.TS Nguyễn Viết Thảo, Phó Viện trưởng Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong chương trình giảng dạy của các lớp dự nguồn cán bộ có nhiều chuyên đề thực tế. Việc được nghe trực tiếp Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày về quy hoạch hệ thống GTVT của đất nước là cơ hội quý báu và là bài giảng bổ ích đối với mỗi học viên.
Đức Thắng
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét