Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

Doanh nghiệp phải "nộp phí" tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật

Doanh nghiệp phải "nộp phí" tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật

"Việc đóng góp kinh phí để tiêu hủy thuốc, xử lý bao, gói thuốc đã qua sử dụng vừa giảm ngân sách Nhà nước, vừa để phát huy trách nhiệm của các doanh nghiệp này đối với vấn đề bảo vệ môi trường".











Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang)
Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang)

Đây là ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) khi thảo luận ở hội trường, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa 13 sáng 29/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, bởi họ cho rằng, việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay còn bị buông lỏng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân.


Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định) cho rằng: dự thảo luật quy định "UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí chỉ đạo UBND cấp huyện trong việc hướng dẫn UBND cấp xã quy định địa điểm thu gom, tổ chức thu gom bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng và tổ chức xử lý bao, gói thuốc sau sử dụng, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ tại địa phương" là nội dung khó có tính khả thi.


Theo bà Hằng, thứ nhất là về kinh phí. "Tôi không đồng ý lấy ngân sách từ địa phương vì nhiều địa phương còn khó khăn trong cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí như dự thảo luật là khó thực hiện. Thứ hai, dẫn chiếu với Luật bảo vệ môi trường (Điều 3, khoản 4) quy định: chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, lây nhiễm, gây ngộ độc hoặc đặc tính nguy hại khác. Như vậy, thuốc BVTV vô chủ tại địa phương phải tiêu hủy thuộc loại chất thải nguy hại và bao, gói thuốc sau sử dụng cũng có loại thuộc chất thải nguy hại", đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng nói và cho rằng, Điều 3, khoản 2 Luật Bảo vệ môi trường quy định: chỉ những tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và mã số hoạt động mới được tham gia xử lý chất thải nguy hại. Như vậy, việc xử lý bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ đòi hỏi phải có những tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp, có thẩm quyền. Nếu giao UBND cấp huyện hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức thực hiện thì chưa đúng chức năng, thẩm quyền.


Để huy động nguồn lực, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, không tăng biên chế và để xã hội hóa công tác thu gom, xử lý bao, gói thuốc BVTV, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ, bà Hằng đề nghị luật nên quy định thu một khoản từ các nhà sản xuất (nếu là nhà sản xuất trong nước) và các đơn vị kinh doanh (nếu nhập khẩu), sau đó giao cho UBND cấp xã thuê các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý bao, gói thuốc BVTV sau sử dụng, tiêu hủy thuốc BVTV vô chủ. Nếu thiếu thì ngân sách mới cấp bù. "Như vậy, vừa giải quyết được vấn đề kinh phí và vấn đề tổ chức thực hiện, vừa thống nhất với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường", đại biểu tỉnh Nam Định kết luận.


Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) cũng đề nghị bổ sung thêm quy định khuyến khích các cơ sở này đóng góp xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý bao, gói thuốc BVTV. "Đây cũng là việc cần làm để phát huy trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với vấn đề bảo vệ môi trường", ông Hùng nói.


Liên quan đến trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ và các bộ, ngành, ông Hùng đề nghị cụ thể hóa thêm trách nhiệm một số bộ, ngành trên một số việc, nhất là trách nhiệm trong việc tiêu hủy thuốc, bao, gói thuốc sau khi sử dụng, bởi nếu không các cơ quan, đơn vị cứ đùn đẩy trách nhiệm. Theo ông Hùng, nên quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ Tài nguyên Môi trường trong việc chủ trì hướng dẫn xây dựng hệ thống thu gom, tiêu hủy thuốc và bao, gói thuốc đã qua sử dụng. Đối với Bộ Tài chính, dự thảo luật nên bổ sung thêm quy định yêu cầu Bộ Tài chính hướng dẫn và bố trí thêm nguồn kinh phí xây dựng các lò tiêu hủy thuốc BVTV và bao, gói sau sử dụng.


Còn theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn), thực trạng dịch bệnh thường xuyên bùng phát, thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ độc hại do lạm dụng hóa chất bảo quản diễn ra phổ biến, thiếu kiểm soát có nguyên nhân là do cơ chế quản lý thiếu chặt chẽ và ý thức của người sản xuất, kinh doanh. "Mỗi năm có hàng trăm tấn gói bao, bì thuốc BVTV các loại thải ra môi trường nên nếu quy định chi phí thu gom và xử lý bao, gói thuốc BVTV đã qua sử dụng do nguồn ngân sách địa phương bảo đảm và nếu ngân sách địa phương không đủ thì có thể tăng mức thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường như dự thảo luật là không phù hợp, sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách địa phương, đặc biệt là các tỉnh khó khăn" bà Phương cho biết.


Theo đại biểu tỉnh Bắc Cạn, bên cạnh quy định khuyến khích nhà sản xuất sử dụng loại bao bì dễ tái chế, tái sử dụng để giảm bớt chi phí thu gom, xử lý bao thuốc BVTV sau sử dụng như dự thảo luật, đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng thuốc BVTV phải nộp một khoản phí để thu gom, xử lý bao, gói thuốc BVTV.


Minh Tiến



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.