Bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, học lái xe có người đi kèm, tính ưu việt trong hệ thống cấp cứu hàng không hay bài học cưỡng chế vận tốc... là những kinh nghiệm mà các chuyên gia nghiên cứu chia sẻ tại cuộc hội thảo "Kinh nghiệm bảo đảm ATGT trong khu vực châu Á - TBD" vừa được Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trường Đại học GTVT tổ chức.
Tăng cường kiểm soát tốc độ là một biện pháp quan trọng để kéo giảm TNGT |
Kéo giảm TNGT cần một lộ trình
Phân tích những hành vi của người điều khiển xe máy trong dòng giao thông hỗn hợp với xe máy, bà Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Đại học GTVT) cho rằng người Việt Nam mang tâm lý đi sai sẽ có lợi, nhanh hơn những người tuân thủ tốt Luật Giao thông nên dẫn đến vi phạm tràn lan. Bên cạnh đó, sự thiếu nhận thức và hiểu biết về ATGT, lái xe không an toàn, trong khi cơ sở hạ tầng và thiết bị ATGT đường bộ kém hiệu quả, dòng giao thông không thuần nhất và hỗn loạn cũng là những nguyên nhân dễ dẫn đến xung đột và TNGT. Vì vậy, để giảm thiểu TNGT, cần một lộ trình cải thiện tình hình ATGT một cách toàn diện, hiệu quả và dài hạn với các giải pháp căn cơ như: phát triển hệ thống hạ tầng và nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Điều tra về Chiến lược ATGT các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Iran, Georgia, Kazakhstan... ông Byongho Choe và Minwoo Kim đến từ Cục ATGT Hàn Quốc chia sẻ: "Quản lý nhu cầu vận tải được coi là chiến lược tốt nhất để cải thiện mức độ ATGT đường bộ. Bên cạnh đó, việc kiểm soát, giám sát của lực lượng CSGT để tác động đến ý thức của người tham gia giao thông sẽ có hiệu quả hơn là việc gửi tín hiệu cảnh báo từ các điểm nguy hiểm hay hình thức xử phạt...".
Số liệu phân tích của Cục ATGT Hàn Quốc trong năm 2010 tại một số quốc gia vùng châu Á - TBD cho thấy, tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong đường bộ trên một triệu người là 16,7, tại Hàn Quốc là 13, Lào là 18,1, Malaysia 23,2, Myanmar 24,3, Philippines 19,8. Từ số liệu trên cho thấy, ở những nước đang phát triển, có mức độ đô thị hóa cao, tỷ lệ phương tiện đăng ký cao thì tỷ lệ tử vong cũng cao. Để đảm bảo ATGT một cách bền vững, cần có cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ tốt, có phương tiện và các thiết bị an toàn, tổ chức các chiến dịch và giáo dục pháp luật ATGT...
Cần khuyến khích vận tải khách công cộng
Qua việc khảo sát thông qua phân tích các số liệu về các giải pháp ATGT, ông Byongho Choe cho rằng, một thành phố được coi là an toàn, có số người chết/ đầu phương tiện thấp và giảm được thương vong trong các vụ TNGT thì phải bảo đảm được một số yếu tố như: Khuyến khích sử dụng vận tải hành khách công cộng; Đảm bảo quyền sử dụng đường cho người đi bộ và người đi xe đạp; Hệ thống hạ tầng giao thông phải có độ cơ động cao nhưng phải bảo đảm cho người sử dụng ít bị tổn thương nhất... Đây được xem là những yếu tố được xem như là biện pháp bảo đảm ATGT bền vững.
Ông Byongho Choe cũng đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm góp phần giảm thiểu TNGT ở các nước phát triển trên thế giới. Chẳng hạn như việc đội mũ bảo hiểm bắt buộc khi đi xe đạp ở Pháp đã khiến chỉ số TNGT có liên quan đến xe đạp giảm 20%; Học lái xe có người đi kèm ở Thụy Điển giúp giảm tỷ lệ TNGT xuống 46% sau khi học viên nhận bằng; Kinh nghiệm tăng cường cưỡng chế vận tốc ở Mỹ, Pháp và Đức giúp giảm tỷ lệ TNGT từ 10 - 40% ở Mỹ và giảm số người tử vongở Pháp là 30%...
Cũng theo nghiên cứu từ các chuyên gia đến từ Hàn Quốc, kinh nghiệm cho thấy, đối với những khu vực có cả GDP và ODA tăng chậm lại dẫn đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sụt giảm thì những biện pháp khẩn cấp thông qua các biện pháp như: đầu tư về cơ sở cấp cứu, thiết bị cứu hộ và đào tạo nhân viên cứu hộ cần phải được coi trọng hàng đầu. Ngược lại đối với các nước có GDP và ODA có chiều hướng tăng lên thì cần quan tâm đến việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện và tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người tham gia giao thông...
Tuy nhiên cũng theo các chuyên gia về lĩnh vực ATGT của Hàn Quốc, không phải tất cả các bài học kinh nghiệm đều có kết quả như nhau. Việc lựa chọn các giải pháp phải dựa trên những phân tích thấu đáo về thực trạng ATGT, văn hóa giao thông và dựa trên những dữ liệu phân tích sâu của từng quốc gia, lãnh thổ.
Tiến Mạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét