Sáng nay (13/1), Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Hội nghị được tổ chức tại 63 điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành cả nước.
Toàn cảnh hội nghị |
Giảm sâu TNGT 3 tiêu chí
Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước giảm 5 -10%, nhưng từng địa phương cũng phải giảm 5 - 10%. Nghị quyết Quốc hội đã rất rõ vấn đề này. Hôm nay, Hội nghị muốn nghe mô hình tốt của từng địa phương và ngành trong quá trình giảm TNGT, cũng như những kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ GTVT – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng cho biết, năm 2014 công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được tăng cường, đồng bộ. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, đặc biệt việc chọn và xác định chủ đề Năm An toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, lấy trọng tâm tác động là chủ phương tiện và người thực thi công vụ đã đi vào nguyên nhân gốc của TNGT. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục tập trung vào các quy định khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước và xử lý vi phạm về TTATGT, đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực: siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải; quy định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện.
Công tác thanh tra, kiểm tra và TTKS, xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường và có nhiều đổi mới; ngoài lực lượng CSGT, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường các lực lượng khác như Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Công an xã, phường tham gia công tác bảo đảm TTATGT; lực lượng Thanh tra giao thông đã tập trung thực hiện kiểm tra điều kiện bảo đảm TTAGT trong kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe, công tác quản lý kỹ thuật phương tiện, đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Sự vào cuộc nghiêm túc của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong công tác triển khai, thực hiện đồng loạt các trạm KTTTX trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, thực hiện kiểm soát tải trọng xe từ nguồn hàng hoá, trên mạng lưới đường địa phương giúp kéo giảm mạnh mẽ tình trạng xe ôtô chở quá trọng tải trên cả nước, nhất là tại các địa phương, các đoạn tuyến đường tổ chức KTTTX liên tục 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và giảm TNGT.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, Ủy ban ATGT Quốc gia và các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với quy mô cả nước, hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác bảo đảm TTATGT.
Công tác quản lý hoạt động vận tải từng bước triển khai tái cơ cấu thị trường, tăng cường kết nối, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng các phương thức vận tải đã giảm áp lực cho đường bộ; bước đầu khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình xe ô tô đã giúp tăng cường giám sát và chấn chỉnh hành vi, giảm vi phạm của các lái xe.
Mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế nhưng việc đầu tư cho phát triển, bảo vệ KCHTGT được quan tâm và chú trọng; nhiều dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không đã được đầu tư, tiến độ và chất lượng được đảm bảo; nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các Bộ, ngành, đoàn thể là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia với Ban ATGT các địa phương cũng như phối hợp theo ngành dọc giữa cơ quan Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT lấy trọng tâm là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ TNGT, làm chết 8.996 người, làm bị thương 24.417 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). Trong đó, có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT. Có 10 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn, Ninh Thuận, Cao Bằng, Nam Định, Cà Mau, Bắc Giang, Đà Nẵng, Lạng Sơn. Có 9 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, đặc biệt, có 5 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Trị, KonTum, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre.
Khắc chế nạn ùn tắc giao thông
Với sự chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tình hình ùn tắc giao thông tiếp tục có nhiều cải thiện. Đặc biệt, với chủ trương nghỉ Tết sớm của Chính phủ và nghỉ Lễ 4 ngày trong dịp 30/4 và 1/5; Quốc khánh 2/9 đã khiến lưu lượng và mật độ phương tiện lưu thông tại 2 thành phố giãn ra, không còn tình trạng ùn tắc cục bộ trong những ngày cận Tết như những năm trước.
Đặc biệt, Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai một số các giải pháp nhằm mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô như: thí điểm cấp phù hiệu riêng cho xe taxi thuộc địa bàn thành phố để tăng cường công tác quản lý hoạt động xe taxi; đưa tuyến xe buýt điện tử vào hoạt động nhằm mục đích tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và sự tiện lợi cho hành khách; đưa Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu, triển khai xử phạt vi phạm TTATGT qua hình ảnh.
Bên cạnh đó, hai thành phố lớn triển khai thực hiện văn bản số 148 ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ: xây dựng Đề án cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu trung tâm thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa xe buýt, điều tiết giữa các phương thức vận tải… để từng bước giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông.
Khánh Linh - Thiện Anh - Khánh Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét