Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Máy ATM "giở chứng", khó xử phạt?

Máy ATM "giở chứng", khó xử phạt?



Sau một tháng nghị định 96 có hiệu lực, vẫn chưa có ngân hàng (NH) nào bị xử phạt vì lỗi máy ATM hết tiền.












ATM của Techcombank trên đường số 1 KCN Đồng An (Bình Dương) không giao dịch được (ảnh chụp lúc 11g45 ngày 11-1) 0 Ảnh: Nguyễn Trí
ATM của Techcombank trên đường số 1 KCN Đồng An (Bình Dương) không giao dịch được (ảnh chụp lúc 11g45 ngày 11/1). Ảnh: Nguyễn Trí

Các ngân hàng khẳng định có hệ thống kiểm soát từ xa, có khả năng phát hiện lỗi và khắc phục ngay. Thế nhưng, cảnh máy treo, báo lỗi, không rút được tiền vẫn tái diễn vào những ngày cuối tuần, thời điểm đông người sử dụng các dịch vụ tại trụ ATM.


Và cho đến nay, sau một tháng nghị định 96 có hiệu lực, vẫn chưa có ngân hàng (NH) nào bị xử phạt vì lỗi máy ATM hết tiền.


Chạy rút tiền chóng cả mặt


Khoảng 9g30 ngày 11/1, 14 trụ ATM của NH Vietcombank trong KCX Linh Trung (Thủ Đức, TP.HCM) bị “bao vây” bởi hàng chục công nhân đến rút tiền. Dù phần lớn máy còn tiền nhưng các trụ này liên tục báo lỗi, lúc rút được, lúc không, trong đó trụ số 8 không cho rút tiền.


Hơn 14g cùng ngày, PV trở lại khu vực này, màn hình trụ số 8 vẫn báo lỗi không cho rút. Ngay sau lưng 14 trụ này là bốn trụ ATM của BIDV nhưng một trụ thường xuyên trục trặc, một trụ từ hơn 10g ngày 11/1 đến đầu giờ chiều cùng ngày đều trong tình trạng im lặng.


Tại KCN Đồng An (Bình Dương), tình trạng hết tiền ở các ATM còn trầm trọng hơn. Theo ghi nhận của PV, khoảng 10g30 ngày 11/1 trên đường số 1 tại KCN này có bảy trụ ATM của Agribank, Techcombank và Vietcombank nhưng chỉ có hai trụ của Vietcombank cho rút tiền với mệnh giá thấp, một trụ lúc được lúc không, bốn trụ còn lại (hai của Agribank và hai của Techcombank) đều trong tình trạng hết tiền.


Di chuyển hơn 1km về phía cổng KCN này, một trụ ATM VietinBank khiến nhiều người thất vọng ra về do máy không cho giao dịch để bảo dưỡng.


Mồ hôi nhễ nhại trên trán, chị Trương Thị Ánh rầu rĩ cho biết từ sáng giờ chị bồng con chạy lòng vòng đến các trụ ATM trong KCN Đồng An rút tiền nhưng tất cả đều vô ích.


“KCN có hàng chục nghìn công nhân dùng thẻ, công ty nào cũng trả lương qua thẻ nhưng chỉ có tám trụ ATM mà chẳng có trụ nào ra hồn. Chủ trọ chờ chực thời điểm này để thu tiền phòng, tháng trước rút không được, giờ thế này nữa phải làm sao?” - chị Ánh lo lắng.


Chị Trương Thị Hồng (công nhân tại KCN này) bức xúc cho biết từ 8g30-10g30, chị năm lần bảy lượt ra trụ ATM Agribank trên nhưng không rút được tiền.


“Hầu hết công ty đều trả lương cho công nhân từ mùng 8 đến 11 hằng tháng, nên thời điểm này công nhân đổ xô đi rút tiền nhưng không phải cứ muốn rút là được. Tôi cũng đã chạy đến bốn cây ATM mà đến giờ này vẫn chưa rút được tiền” - anh Nguyễn Văn Mạnh (công nhân trong KCN Đồng An) bức xúc.


Khoảng 13g30 cùng ngày, tại bốn trụ ATM của Vietcombank trên đường số 1 (khu dân cư Bình Đường 2, Dĩ An, Bình Dương - gần Giày da Thái Bình), dù chi nhánh NH này nằm sát bên nhưng không một cây ATM nào rút được tiền.


Theo ghi nhận của PV, tại bốn trụ ATM trên chưa tới 30 phút ước tính hơn 200 người, trong đó phần lớn là công nhân, phải thất vọng ra về vì không một cây ATM nào rút được tiền do tình trạng quen thuộc “Xin lỗi, giao dịch bị hủy vì lỗi thiết bị”.


ATM trục trặc không chỉ vì hết tiền?!


Đại diện Techcombank thừa nhận hai cây ATM của NH này tại KCN Đồng An hết tiền vào thời điểm khoảng 10g ngày 11-1 là do có tần suất giao dịch rất cao. Tuy nhiên ngay trong sáng 12/1, Techcombank đã tiếp quỹ đầy đủ cho hai máy này và khách hàng có thể giao dịch bình thường.


Theo vị này, NH tiếp quỹ đủ hạn mức để phục vụ kỳ chi lương của các doanh nghiệp ở đây, nhưng do đúng kỳ trả lương và vào dịp nghỉ cuối tuần nên phần nào cũng bị quá tải.


“ATM ở Bình Dương của Techcombank hiện có khoảng 60 máy. Đây là khu vực tập trung rất đông số khách hàng là đối tượng công nhân ở các KCN của cả Techcombank và các NH, vì thế chúng tôi luôn luôn để ý tiếp quỹ” - đại diện Techcombank nói.


Trong khi đó, đại diện Vietcombank phụ trách các máy ATM thuộc khu vực KCN Linh Trung 2 cho biết việc tiếp quỹ luôn được NH theo dõi và xử lý kịp thời.


“ATM cũng chỉ là thiết bị máy móc nên việc trục trặc, lỗi mạng là khó thể tránh khỏi” - vị này lý giải về chuyện một số máy ATM ở khu vực này không rút được tiền.


Trưởng phòng thẻ một NH cho biết trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc NH bị xử phạt sẽ có ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của NH, vì vậy từ khi có nghị định 96, NH rất tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ ATM.


“Việc các máy ATM vẫn liên tiếp gặp sự cố còn có nhiều nguyên nhân như lỗi mạng, hết giấy ghi nhật ký, điện, đường truyền... nên chưa thể phản ứng kịp thời ở một số thời điểm” - vị này khẳng định.


Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết đến nay chỉ có một NH có thông báo về việc máy ATM bị hư không hoạt động và theo quy định, nếu NH có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ nhưng đã báo cáo NH Nhà nước chi nhánh các địa phương và đã thông báo rộng rãi cho khách hàng thì không bị xử phạt.


Riêng các trường hợp bị phạt vì “lỗi ATM hết tiền” theo quy định tại nghị định 96, vị này thừa nhận đến nay vẫn chưa có NH nào bị phạt. Tuy nhiên, vị này từ chối giải thích lý do “vẫn chưa phát hiện và xử phạt” các NH vi phạm, dù các chủ thẻ ATM nhiều lần bức xúc lên tiếng.









Sẽ tăng cường kiểm tra thời gian tới


Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM cho biết do mới thành lập từ 1-1-2015 nên đến nay vẫn chưa thể kiểm tra hoạt động ATM trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đã có văn bản khuyến cáo các tổ chức tín dụng phải tập trung, tăng cường chất lượng dịch vụ ATM vào những ngày cao điểm.


Thời gian tới, cục sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM rốt ráo kiểm tra dịch vụ ATM trên địa bàn.


Cơ quan này cho biết muốn xử phạt các lỗi về ATM theo quy định, sau khi nhận được phản ảnh của người sử dụng thẻ về chất lượng máy ATM, tổ công tác sẽ cử người đến máy ATM kiểm tra và xác định được lỗi của ATM. Chỉ khi biên bản vi phạm hành chính được lập có chữ ký xác nhận của đại diện cơ quan phát hành máy thì cục mới có cơ sở để


xử phạt.

Tuy nhiên, với số lượng máy ATM khổng lồ như ở TP.HCM, cơ quan quản lý khó quản lý, nắm bắt hết để có thể kiểm tra xử phạt kịp thời mà chỉ hi vọng nghị định 96 là một công cụ để răn đe các tổ chức tín dụng chỉnh đốn, nâng cấp dịch vụ ATM hơn mà thôi.



Theo Tuổi trẻ



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.