Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Giải quyết khiếu nại cần lắng nghe nguyện vọng của người dân

Giải quyết khiếu nại cần lắng nghe nguyện vọng của người dân

Trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, các đơn vị, địa phương cần tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; tập trung xem xét hoàn cảnh gia đình của các bên liên quan để giải quyết theo hướng có tình, có lý.













Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài. Ảnh VGP/Phan Hoàng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài. Ảnh VGP/Phan Hoàng


Ngày 17/1, tại TPHCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo, giải quyết một số vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài trên địa bàn các tỉnh phía Nam.


Đây là những vụ việc có nội dung liên quan đến tranh chấp đất đai, đã kéo dài từ nhiều năm nay mà vẫn chưa được các địa phương giải quyết triệt để. Cụ thể là các vụ khiếu nại của ông Trần Văn Thức ngụ tại xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) và khiếu nại của ông Nguyễn Thu Răng trú tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa (tỉnh Long An).


Sau khi nghe Thanh tra Chính phủ cùng đại diện địa phương báo cáo quá trình kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc nêu trên, Phó Thủ tướng đã phân tích những khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng kéo dài các vụ việc; đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm các vụ việc theo hướng có tình, có lý.


Các đơn vị, địa phương, trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, cần tổ chức đối thoại trực tiếp để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; tập trung xem xét hoàn cảnh gia đình của các bên liên quan để có hướng giải quyết hiệu quả. Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công, cần có các biện pháp hỗ trợ phù hợp theo quy định.


Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Phó Thủ tướng lưu ý UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả đơn thư khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế tối đa các vụ khiếu kiện kéo dài gây tốn kém, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của người dân.












Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh VGP/Phan Hoàng
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh VGP/Phan Hoàng


Đánh giá về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại hiện nay, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2014, số lượng đơn tố cáo đã giảm nhưng tính chất các vụ việc lại ngày càng gay gắt; bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại tố cáo chưa cao, còn chậm; một số trường hợp do áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến khiếu nại kéo dài.


Số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2014, số lượng đơn tố cáo đông người trên cả nước tăng 15% so với cùng kỳ năm 2013.


Theo Phan Hoàng/Chinhphu.vn



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.