Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Dùng danh sơn nữ "săn" đại gia

Dùng danh sơn nữ "săn" đại gia

Thông thường, sơn nữ - người con gái miền núi – thường được gắn với hình ảnh ngây thơ, ngơ ngác như “con nai rừng”. Nhưng giờ đây, không ít sơn nữ đã nhiễm thói hư tật xấu của thời hiện đại, “khoác áo” ngây thơ để “giăng bẫy”, moi tiền, quà... của những người đàn ông “ham của lạ”.











Nhiều thiếu nữ vùng cao do bị những thứ vật chất xa hoa làm mờ mắt mà đánh mất đi chính bản thân mình.
Nhiều thiếu nữ dân tộc vùng cao, do bị những thứ vật chất xa hoa làm mờ mắt mà đánh mất đi chính bản thân mình.

Chuyện sơn nữ "giăng bẫy" đại gia


Chiều Hà Nội mưa phùn ẩm ướt, tôi gặp Thu, cô sinh viên người dân tộc Pa Dí đến từ Mường Khương (Lào Cai) trong quán chè Sài gòn ở khu ĐH Bách Khoa. Chiều mưa rảnh việc, Thu buột miệng kể cho tôi nghe câu chuyện về một cô bạn cùng quê, nay đã xuống Hà Nội làm ăn với những kỳ tích “săn” đại gia khá ấn tượng.


Theo lời Thu kể, B.N là con thứ 4 trong một gia đình có 8 anh chị em, lao động chủ yếu bằng nghề nông. Nhà nghèo, nhưng B.N lại có tính lười biếng, học ít, chơi nhiều và khi 18 tuổi, B.N chấm dứt học hành, xuống Hà Nội tìm việc với kỳ vọng sẽ được đổi đời.


“Những ngày đầu xuống Hà Nội, gặp ai B.N cũng chỉ biết nói tiếng Tày, em toàn phải phiên dịch hộ nó, tại em ở quê cũng được học tiếng Kinh nên biết. Lơ ngơ thế nhưng nhờ xinh gái, da trắng hồng, dáng cao ráo nên B.N nhanh chóng được chủ một quán cafe nhận vào làm bưng bê. Ai ngờ đâu, chỉ sau 3 tháng xuống Hà Nội, B.N đã “chăn” được luôn cả anh chủ quán và “ lột xác” hoàn toàn”.


Mắt xa xăm, Thu nhớ: Hôm đó là ngày 7/3, anh chủ quán tên T.H đã tặng B.N một chiếc xe tay ga Lead, dù đó là chiếc xe đã sử dụng nhưng đó là bất ngờ lớn nhất trong đời của một cô gái người dân tộc nghèo khó. B.N ngày càng được người yêu chiều chuộng, cho nhiều tiền, mua cho nhiều quà, nhưng cô vẫn luôn đóng vai sơn nữ ngây thơ, giản dị. “Anh chàng chủ quán mê nó lắm, đi đâu cũng dắt theo, giới thiệu với đủ bạn bè. Ai dè nó lẳng lặng làm quen với bạn của người yêu, rồi lén lút cặp kè với nhiều người bạn của “bồ ruột”. Nó thường xuyên lén trốn người yêu đi du lịch xa, rồi lên lịch để các ông bồ không chạm mặt nhau. Nhất là ngày lễ, tết, nó lấy được nhiều tiền, quà của các ông ấy lắm”, Thu kể.


Rồi dần dần, B.N nâng “đẳng cấp” moi tiền của mình lên hàng cao cấp hơn. Vẫn cái danh sơn nữ và lối ngây thơ giả vờ ấy, B.N đã cặp bồ với một ông giám đốc gần 50 tuổi có vợ và 2 con rồi. “Em nghe N. kể tay này là đại gia bất động sản, gái không thiếu nhưng mê N. bởi vì tưởng N. là con gái vùng sơn cước ngây thơ. Mùng 8/3, đại gia bất động sản mua hẳn cho B.N một cái nhà để ở”, Thu kể rồi rút điện thoại ra cho tôi xem ảnh căn chung cư mà ông đại gia đó mua cho B.N.


Nhưng đó chỉ là chuyện của 8/3 năm kia, năm ngoái, bởi giờ thì B.N đã “trắng tay”, lại đi bưng bê ở quán cafe kiếm sống và tìm cách “chăn” mối mới. Bởi đại gia của B.N đã bị vợ phát hiện chuyện cặp kè với sơn nữ, nên bà vợ thuê người đánh ghen bầm dập sơn nữ, đe giết chết nên B.N phải viết giấy bán lại nhà cho bà vợ, về quê ẩn một thời gian dài. “Giờ thì dù có dùng chiêu sơn nữ, nó cũng khó “săn” đại gia rồi, vì đã già hơn, xấu hơn, nhàu nhĩ hơn”, Thu buồn buồn nói.


Và sơn nữ cũng sập bẫy


Giàng Pằng sinh năm 1994, chỉ học hết lớp 9, người dân tộc Mông ở Lào Cai đến bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng vì suýt bị lừa sang Trung Quốc, và vẫn thương xót cho cô bạn Hầu Ly của mình bị bắt cóc đến bây giờ vẫn chẳng thấy tung tích gì.


Pằng kể “Ở bản em cũng có cán bộ thôn bản về giảng giải cho bà con hiểu ngày Quốc tế phụ nữ là như thế nào, nên đến ngày này bản em hay tổ chức vui chơi cho các nả, các mế, có tặng hoa, tặng vải vóc, bộ ấm chén, chơi ném còn nhảy sạp và thi gói bánh Gù (một loại bánh trưng đen)”.


Pằng vẫn nhớ như in buổi chiều ngày 8/3 của 2 năm trước, buổi sáng vui chơi ngày 8/3 xong, lúc cô và Hầu Ly lùa trâu về bản, chợt có hai chàng thanh niên bảnh bao đi ôtô qua hỏi đường, thấy thiếu nữ vùng sơn cước xinh xắn nên đến tối hai gã này mò về đến tận đầu bản của hai cô rồi gạ gẫm rủ đi chơi.


Sáng hôm sau, Pằng và Hầu Ly được hai gã trai đánh ô tô đón xuống chợ huyện được mua vài bộ quần áo cùng một số thứ mỹ phẩm của Trung Quốc. Mải mê vui chơi, Pằng và Hầu Ly theo gót hai gã trai này đi uống rượu qua đêm để “đợi sáng hôm sau các anh ấy dắt đi xin cho việc làm ở trên thành phố để đổi đời, không phải làm công việc nhà nông vất vả”, Pằng nhớ lại.


Pằng kể tiếp bằng giọng lí nhí: “Đêm hôm đấy bọn em thuê nhà nghỉ dưới huyện, anh Kiên nói yêu em, anh ấy bảo sẽ lấy em làm vợ và mở cho em một tiệm may nếu em chịu đi theo anh ấy sang Trung Quốc bán hàng. Sáng hôm sau, các anh ấy đưa bọn em lên Lạng Sơn, mua cho mỗi đứa một chiếc điện thoại để tiện liên lạc. May mắn thay đang trong lúc mua đồ ở cửa khẩu biên giới, người bác của em bắt gặp và lôi em về bằng được. Còn Ly thì cứ ngồi im trên xe, không chịu về, lại còn cố thuyết phục bác em cho em đi, nhưng rồi đến tận bây giờ em cũng chẳng thấy Ly trở về nữa” – Pằng sụt sùi.


Hoàng Nam



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.