Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Phát động Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động 2014

Phát động Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động 2014

Sáng 16-3, Ban chỉ đạo tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ Trung ương phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức phát động Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) lần thứ 16 năm 2014 tại khu công nghiệp Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên - Huế với chủ đề “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”.











 Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại lễ phát động. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền

phát biểu tại lễ phát động

Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, cho biết trong năm 2013, công tác ATVSLĐ - PCCN đã được triển khai sâu rộng trong toàn quốc và đã đạt được một số kết quả, nhưng vẫn để xảy ra 6.600 vụ tai nạn lao động, làm chết 627 người, bị thương nặng 1.500 người, thiệt hại 72 tỉ đồng và hàng trăm ngàn ngày công lao động.


Những lĩnh vực, ngành nghề để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người chủ yếu là trong xây dựng, khoáng sản, sản xuất kinh doanh điện và cơ khí chế tạo. Đối với lĩnh vực cháy nổ, trong năm 2013, trên toàn quốc xảy ra gần 2.700 vụ cháy nổ làm chết trên 100 người, bị thương gần 200 người. So với năm 2012 số vụ cháy nổ tăng hơn 900 vụ, thiệt hại ước tính gần 1.700 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, trang bị thiết bị bộ hộ lao động cá nhân còn sơ sài...


Để thực hiện thắng lợi công tác ATVSLĐ- PCCN năm 2014, đề nghị các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động tập trung thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn trong lao động, có biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời và công khai thông tin đối với các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ATVSLĐ- PCCN… Đây được xem là một bước đột phá nhằm đưa chính sách pháp luật về ATVSLĐ- PCCN đến với đông đảo các tầng lớp công nhân lao động.


Cũng tại buổi lễ phát động, ông Sziraczki Gyorgy, Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, trên thế giới cứ 15 giây lại có một người chết vì tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và 160 người bị tai nạn lao động. Với việc gia nhập Công ước 187, về khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động, Việt Nam đã trở thành nước thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á gia nhập Công ước 187, là tấm gương điển hình trong khu vực về đảm bảo nơi làm việc an toàn hơn, đồng thời gửi ra thế giới một thông điệp mạnh mẽ rằng, các sản phẩm của Việt Nam được sản xuất trong các điều kiện an toàn.


Để tiếp tục phát huy, ông Sziraczki Gyorgy đề nghị Việt Nam nên tiến hành các bước tiếp theo như: cải thiện số liệu thống kê bởi kiến thức là chìa khóa phòng ngừa; thúc đẩy “văn hóa phòng ngừa” trong xã hội; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức trong cộng đồng; cải thiện hệ thống giám sát y tế quốc gia và thanh tra lao động; tăng cường cải thiện các chính sách và phương thức thực hành an toàn vệ sinh lao động.











Hàng ngàn người lao động dự lễ phát động Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ năm 2014
Hưởng ứng Lễ phát động Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ năm 2014

Tại lễ phát động, Ban Tổ chức Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 16 đã khen tặng cho nhiều địa phương, tổ chức và cá nhân có thành trong công tác An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ và trao Cờ luân lưu cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương đăng cai tổ chức Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ lần thứ 17.


Trong chương trình hoạt động Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 16, năm 2014, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã đi thăm một số gia đình nạn nhân tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế; Thăm Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo việc làm cho người khuyết tật Thừa Thiên - Huế. Đây là cơ sở đang đào tạo và dạy nghề miễn phí cho 150 trẻ khuyết tật trên địa bàn...








Theo báo cáo chưa đầy đủ, năm 2013, cả nước xảy ra hơn 6.600 vụ tai nạn lao động, làm 6.887 người bị nạn; trong đó có 626 người chết và trên 1.500 người bị thương nặng. Tổng thiệt hại về vật chất gần 72 tỷ đồng.

Riêng về cháy nổ, toàn quốc xảy ra gần 2.700 vụ, tăng hơn 900 vụ so với năm 2012; làm chết hơn 100 người, bị thương gần 200 người. Thiệt hại về tài sản ước tính giá trị gần 1.700 tỷ đồng.


Nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân. Người lao động vi phạm quy trình làm việc an toàn lao động. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người còn chậm nên hiệu quả ngăn ngừa chưa cao.



Thu Hương



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.