Tính đến sáng nay (19/9) bão số 8 đã làm 2 người chết và ít nhất 11 người mất tích. Cụ thể, tại Quảng Trị, 1 người bị nước cuốn trôi khi đi làm rẫy tại sông Đắk Rông.
Nhiều tuyến đường miền núi bị chia cắt do mưa lũ gây ra. |
Tại Đắk Lắk, 1 người chết trên cây chưa rõ nguyên nhân. Ngoài ra, có 11 người ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk bị mất tích, hiện đang được cơ quan chức năng tìm kiếm. Cũng tại Đắk Lắk, 14 ngôi nhà dân đã bị cuốn trôi, 71 ngôi nhà bị ngập; 80 ha hoa màu, cà phê bị ngập nước, hư hỏng. Một số hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nước tràn qua thân đập, gây sạt lở nhỏ ở thân đập, địa phương đã khắc phục…
Tại xã YaTmốt, xã CưKbang, xã Ea Rốc của huyện Ea Súp, có 50 người dân đi làm rẫy do nước suối lên nhanh nên không về không kịp. Hiện chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng ứng cứu và đưa về nơi an toàn 37 người. Đến 14h chiều ngày 18/9, 13 người còn lại đã được đưa về nơi an toàn.
Nước lũ đã tràn qua thân đập EaĐrăng ở huyện EaHleo, gây sạt lở ở thân đập, địa phương đã mở cửa xả tràn, để hạ mực nước hồ. Trong khi đó, đập 86 ở xã Ea Ral bị vỡ một đoạn 2m. Nghiêm trọng nhất là đập IaJoi ở huyện EaSúp xuất hiện sự cố rò rỉ khoảng 10m dưới chân đập, hiện lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục tạm thời.
Vùng hạ du thủy điện của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị cô lập |
Tại Quảng Nam, chiều 18/9, chiếc thuyền mang số hiệu QNa – 02656 TS của ông Nguyễn Văn Lên (ở xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, Quảng Nam) đang neo đậu tránh bão bị sóng đánh chìm; một người dân huyện Nam Giang, Quảng Nam được xác nhận bị nước cuốn trôi mất tích. Trong khi đó, vùng hạ du thủy điện của huyện Đại Lộc, Quảng Nam hiện bị cô lập hoàn toàn do đường xá ngập trong nước sau cơn bão số 8.
Tại tỉnh Quảng Ngãi có 3 tàu thuyền bị chìm ở đảo Lý Sơn do neo đậu quanh đảo có sóng to, gió lớn; 166 ha hành bị hư hỏng, 2 ha cây keo ở huyện Trà Bồng bị thiệt hại.
Tại tỉnh Kon Tum, có 14 ngôi nhà tại huyện Ea H'leo bị cuốn trôi, 71 ngôi nhà khác bị ngập, hơn 80 ha lúa, cà phê và hoa màu bị hư hỏng.
Về công tác phòng chống bão, lũ, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên triển khai nghiêm túc công tác ứng phó với bão số 8 và diễn biến mưa, lũ. Riêng TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đã thông báo cho học sinh từ ngày 19/9, riêng huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) thông báo cho học sinh từ ngày 18/9.
Ban Chỉ PCLB-TKCN, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa cũng đã thông báo và hướng dẫn cho 44.456 tàu/179.924 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 8 để phòng tránh.
Theo bản tin cuối cùng về bão số 8 của Trung tâm DBKTTV Trung ương, sáng sớm nay (19/9), sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 4 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ). Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, suy yếu và tan dần.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió tây nam hoạt động mạnh nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động.
Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi.
Phương Vy (tổng hợp)
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét