Kỳ 5: Cuộc phá vây không thành
Sau hai đợt tiến công của quân ta, nguy cơ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt đã rõ ràng. Đến ngày 1/5/1954, ĐBP chỉ còn có 3 ngày lương thực dự trữ, 275 quả đạn pháo 155 ly, 14.000 quả đạn 105 ly và 5.000 đạn súng cối 120 ly. Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị mất tác dụng. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm chỉ còn co lại trong phạm vi mỗi chiều 1.500m…
Cuộc sống chui rúc, ngoi ngóp trong bùn lầy, dưới làn đạn Việt Minh đã nhanh chóng tiêu hao thể lực, làm suy sụp tinh thần chiến đấu của các binh sĩ. Trong một cuộc điện đàm với Navarre, de Castries đã đề nghị cho rút toàn bộ quân đồn trú ở Điện Biên Phủ.
Ngày 2/5/1954, Navarre triệu tập một cuộc họp với sự tham gia của Cogny, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, đại tá Crevecoeur, Chỉ huy quân Pháp ở Lào. Navarre tuyên bố “không còn có trách nhiệm tiếp tục cuộc chiến ở Điện Biên Phủ” và chỉ thị cấp dưới nghiên cứu rút quân bí mật về hướng Lào “trong vòng 2 hay 3 ngày tới”; “thương binh và nhân viên y tế để lại, chắc Việt Minh sẽ trao trả họ sau này”. Kế hoạch được mang mật danh Albatros (“Hải Âu”). Theo kế hoạch, lực lượng Pháp tại Điện Biên Phủ sẽ rút về phía đông, đông nam Mường Thanh về hướng Mường Nhạ, từ đó đi Mường Hiệp, Mường Ngòi; từ đây sẽ có lực lượng ứng cứu từ Lào đón.
Phương thức rút là dùng lực lượng mạnh, có sự phối hợp, yểm trợ của pháo binh, không quân phá vòng vây ở nhiều điểm để đội quân rút chạy có thể đến rìa lòng chảo Mường Thanh, nơi có rừng che phủ vào chiều tối. Từ đó, chia ra thành các nhóm nhỏ rút chạy liên tục về hướng Luong Phrabang. Lương thực mang theo tối đa 3, 4 ngày. De Castries được “trao quyền lựa chọn cách thức và thời gian tùy theo sáng kiến của mình sau khi nhận được lệnh”.
Lính Pháp tại Điện Biên Phủ |
Tại Điện Biên Phủ, sau khi nhận được lệnh của Hà Nội, de Castries tổ chức họp bàn thực hiện kế hoạch. Dưới trời mưa tầm tã, cuộc họp xác định, lực lượng còn lại ở Điện Biên Phủ sẽ được chia làm 3 cánh để rút chạy. Trong ba hướng đó (đông nam, nam và tây) thì hướng nam có thể may mắn và thuận lợi hơn. Viên chỉ huy nào cũng muốn cánh quân mình được rút theo hướng đó. Tranh luận kéo dài mà không ai chịu nhường ai, cực chẳng đã, de Castries phải quyết định cho rút thăm. Kết quả, quân dù do đại tá Langlais và trung tá Bigeard chỉ huy sẽ rút theo hướng đông nam; quân lê dương và Bắc Phi do đại tá Lemeunier và trung tá Vadot chỉ huy sẽ rút chạy theo hướng nam; quân hỗn hợp ở Isabele (Hồng Cúm) do đại tá Lalande chỉ huy sẽ chạy theo hướng tây.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào tổ chức thực hiện thì Cogny và de Castries thấy rằng không thể thực hiện việc rút chạy trước ngày 15/5, thậm chí 20/5, do không chuẩn bị kịp và trước khi rút chạy còn phải phá hủy chiến xa, đại bác, tài liệu, thiết bị vô tuyến… Đến sáng 7/5, như tướng Navarre sau này xác định, “nhận thấy thua đến nơi rồi, tướng de Castries, được sự đồng ý của Cogny và tôi, quyết định đến đêm sẽ rút nhưng Việt Minh đã khẩn trương đẩy mạnh tiến công và đến chiều thì toàn bộ khu Trung tâm thất thủ. Đội quân ở Isabele (Hồng Cúm) bỏ chạy lúc trời tối nhưng tất cả các hướng đều bị chặn. Chỉ vài chục người chạy thoát sang Lào”. Thực tế, Bộ chỉ huy Việt Minh đã dự tính cả tới việc quân Pháp phá vây và rút chạy về Thượng Lào, nên đã có kế hoạch bao vây chia cắt Hồng Cúm và ngăn chặn các lối thoát.
Như vậy, cùng với kế hoạch Vautour của Mỹ thất bại, cuộc phá vây Albatros cũng đổ vỡ ngay khi chưa kịp thực hiện. Toàn bộ 16.200 quân Pháp tại Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt và bị bắt sống, trong đó có 1 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá, 1.396 hạ sĩ quan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, hàng nghìn lính viễn chinh của một cường quốc phương Tây đã bị bắt làm tù binh.
Nguyên Phong
.