Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Án chung thân cho kẻ ném vợ bị liệt xuống sông

Án chung thân cho kẻ ném vợ bị liệt xuống sông

Tay run run vịn vào vành móng ngựa, quay người về phía hai con trai, người đàn ông mang tội giết vợ nghẹn giọng: “Tội của bố nặng lắm, không thể biện minh được nữa”.











Nơi ông Đức ném vợ xuống sông. Ảnh: Việt Dũng.
Nơi ông Đức ném vợ xuống sông. Ảnh: Việt Dũng.

Sau gần 7 tháng gây tội với người vợ bị liệt Nguyễn Thị Hiền, người chồng nhẫn tâm Nguyễn Kim Đức bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội. Bị cáo rúm ró trong chiếc áo khoác không đủ ấm, thỉnh thoảng xốc lại chiếc quần quá rộng dài quét đất.


Gương mặt thiểu não, ông Đức thi thoảng ngoái nhìn hai con trai và người mẹ già yếu, nhưng sau đó quay lên rất nhanh. Cậu út 15 tuổi, mắt đỏ hoe, liên tục hướng ánh nhìn về phía bố.


Người thân cho biết, Đức có người vợ đảm đang, suốt ngày “đầu tắt mặt tối” lo kinh tế cho gia đình. Ngoài mấy sào ruộng, bà còn chăm thêm đàn gà, buôn thúng bán mẹt, thậm chí đi làm thuê. Ông Đức làm công nhân. Mấy năm trước, vợ chồng tích cóp xây căn nhà khang trang.


Tai họa ập đến khi bà Hiền bị tai biến, rồi liệt nửa người. Ông Đức đưa vợ đến nhiều bệnh viện chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Không bỏ cuộc, ông thường làm nửa buổi, dành thời gian chở vợ đi châm cứu, khám chữa. Bà Hiền không muốn thành “gánh nợ” của chồng con nên ủ rũ, hơn hai lần muốn tự tử nhưng người thân phát hiện kịp thời.


Trong phiên toà mở ngày 20/1, khai lại tội ác xảy ra ngày 1/6/2013, ông Đức bảo sáng hôm đó bà Hiền định tự tử bằng cách buộc dây vào chiếc đinh dài 5cm để cắm ổ điện nhưng ông kịp can ngăn. Ít phút sau, bà Hiền tiếp tục dùng sợi dây thép ông Đức thường ngày thông điếu cày để đâm vào cổ nhưng bất thành.


"Bị cáo bảo với cô ấy muốn chết thì lên xe. Sau đó, bị cáo chở lên cầu Đuống", ông Đức khai và cho hay đến giữa cầu đã hỏi lại vợ muốn chết hay không nhưng bà không trả lời. Sau câu nói "vậy thì xuống sông cho mát nhé”, ông bế vợ vứt xuống dòng nước chảy xiết.











Bị cáo Đức trong phiên toà sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng.
Bị cáo Đức trong phiên toà sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng.

Một tay vịn vào vành móng ngựa, một tay tung lên, bị cáo diễn tả lại hành vi. Lời khai của bị cáo khiến nhiều người dự tòa cảm thấy "lạnh" bởi sự vô cảm, nhẫn tâm. Hai con của bị cáo cúi gằm mặt, khóc nức lên.


Mặc dù nhân chứng khai thấy Đức giằng tay vợ không cho bấu víu vào thành cầu quyết hất bà xuống sông song bị cáo một mực khẳng định đó là do “cô ấy muốn chết”. Những lời khai khiến vị hội thẩm nhân dân cau mặt, giải thích: Không ai có quyền tước đoạt sinh mạng của người khác, huống chi bà Hiền vốn “đầu ấp má kề” gần 30 năm nay với bị cáo.


Nói lời sau cùng, Đức ngoái xuống phía các con, nói như khóc: “Tội của bố nặng lắm, không thể biện minh được nữa”. Ông mong các con lấy đó làm tấm gương để không phạm pháp; mong gia đình hai bên nội ngoại tha thứ. Ông nhắn nhủ với người thân: “Hai con sau này lập gia đình mong các bác giúp đỡ”.


Quệt nước mắt, ông nói: “Không đêm nào tôi ngủ trọn giấc, cứ đặt lưng xuống là hình ảnh cô ấy hiện ra”. Ở phía sau, mẹ và hai con bị cáo nước mắt lã chã.


Bảo không còn giận, trong phần cuối của phiên xử, hai con của bị cáo xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho bố. Xác định hành vi của Đức là tàn nhẫn, gây án với chính vợ, HĐXX cho hay không còn căn cứ để giảm án, tuyên phạt bị cáo tù chung thân, bằng án đề nghị của VKS.


Theo VnE



.


KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.