Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Chuyến bay làm nên lịch sử ngành hàng không

Chuyến bay làm nên lịch sử ngành hàng không

Ngày 17/12/1903 đã mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử hàng không thế giới. Tại đồi Kill Devil, Kitty Hawk, bang Bắc Carolina (Mỹ), trên chiếc máy bay Flyer, anh em nhà Wright là Orville Wright và Wilbur Wright đã thực hiện chuyến bay 12 giây lịch sử.











Anh em nhà Wright. (Nguồn: dailymail)
Anh em nhà Wright. (Nguồn: dailymail)

Mặc dù trước đó con người đã thực hiện nhiều chuyến bay với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, nhưng chuyến bay của anh em nhà Wright là chuyến bay có điều khiển đầu tiên của con người trên một phi cơ có động cơ.


Ước mơ bay lên bầu trời luôn là khát vọng của con người. Từ thế kỷ 15, Leonardo da Vinci đã dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu động cơ đập cánh. Từ năm 1799-1890, Nam tước người Anh George Cayley lập ra khái niệm mới cho máy bay, đặt nền tảng cho ngành khí động học.


Vào năm 1840, nhà sáng chế người Anh William Henson đã làm một chiếc máy bay, tuy được cung cấp lực bằng hơi nước, nhưng cỗ máy vẫn không bay được.


Từ 1891-1896, kỹ sư người Đức Otto Lilienthal thực hiện hàng ngàn chuyến bay thử nghiệm thành công với máy bay cánh lượn do chính mình thiết kế. Tuy nhiên trong một lần bay thử, chiếc máy bay cánh lượn bị hỏng đã khiến ông tử nạn.


Và phải đến những năm đầu thế kỷ 20, khát vọng được bay lên bầu trời của con người mới trở thành hiện thực và anh em nhà Wright là những người đã làm nên điều kỳ diệu đó.


Sinh ra tại Dayton, bang Ohio, Mỹ, Orville Wright và Wilbur Wright đã mong ước chế tạo một cỗ máy bay lên bầu trời ngay từ khi còn là những đứa trẻ. Rút kinh nghiệm từ những thất bại của người đi trước, trong quá trình nghiên cứu, anh em nhà Wright nhận thấy vấn đề giữ thăng bằng là mấu chốt trong khi bay.


Sau bốn năm với nhiều mô hình, từ diều đến máy bay cánh lượn không động cơ, cuối cùng anh em Wright đã sẵn sàng thử nghiệm chiếc máy bay có động cơ đầu tiên do mình chế tạo mang tên Wright Flyer.


10 giờ 30 phút sáng ngày 17/12/1903, tại đồi Kill Devil, Kitty Hawk, bang Bắc Carolina, Mỹ, Orville Wright đã trở thành phi công đầu tiên trên thế giới với chuyến bay lịch sử chỉ kéo dài 12 giây, vượt 36m.


Cũng trong ngày 17/12, hai anh em nhà Wright còn tiến hành ba chuyến bay nữa và chuyến cuối cùng do Wilbur điều khiển đã bay được 57 giây với chiều dài 256m.


Sự kiện này đã đánh dấu ngoặt lịch sử cho ngành hàng không thế giới - loài người đã có được chiếc máy bay đầu tiên có thể điều khiển được bằng động cơ. Đặc biệt, nhiều chi tiết do anh em nhà Wright thiết kế cho chiếc Flyer 1 vẫn còn hữu dụng cho đến tận ngày nay. Hiện nay, chiếc máy bay này được trưng bày tại Bảo tàng Vũ trụ và Hàng không quốc gia Mỹ ở Washington.


Khi tin tức tại Kitty Hawk lan truyền khắp nơi, anh em nhà Wright ngay lập tức trở nên nổi tiếng. Năm 1906, họ được chính phủ Mỹ thừa nhận và cấp bản quyền. Những năm sau đó, hai anh em nhà Wright đã thành lập công ty chế tạo máy bay Wright. Ngày 30/5/1912, Wilbur Wright đã qua đời bởi bệnh thương hàn khi mới 45 tuổi. Người em Orville một mình điều hành công ty Wright.


Sau thời của anh em Wright, diện mạo thế giới đã thay đổi với sự xuất hiện của ngành hàng không dân dụng. Một cuộc cách mạng sâu sắc về phương tiện giao thông hình thành. Thế giới trở nên nhỏ bé hơn và khoảng cách địa lý gần như chỉ tồn tại trên bản đồ khi mọi trở ngại khoảng cách đều có thể được nối liền bằng hàng không.


Năm 1913, được đánh dấu là “năm huy hoàng của lịch sử hàng không.” Con người bấy giờ không chỉ có thể bay mà còn bắt đầu biết lượn và thực hiện nhiều động tác bay phức tạp. Cũng trong năm này, các chuyến bay đường dài cũng đã được thực hiện, với quãng đường 4.000km từ Pháp đến Ai Cập.


Tháng 1/1914, hàng không dân dụng được khai sinh với tuyến hàng không dân dụng có lịch bay ổn định đầu tiên trên thế giới là chặng từ Saint Petersburg đến Tampa (Florida, Mỹ).


Năm 1933, Boeing cho ra thế hệ 247, được xem là máy bay dân dụng hiện đại thực sự đầu tiên, với chất liệu gần như hoàn toàn bằng kim loại. Boeing 247 là máy bay một thân, cánh thấp, với hệ thống hạ cánh an toàn, cabin tách biệt và phòng chứa 10 hành khách.


Ngày nay, ngành hàng không đã phát triển vượt bậc với những chiếc máy bay dân dụng cỡ lớn, hiện đại với tốc độ nhanh và hiệu quả.


Công nghiệp hàng không đứng thứ 21 trên thế giới về GDP nếu được coi là quốc gia. 0,5% khối lượng hàng hóa thương mại thế giới được vận chuyển bằng đường hàng không, chiếm 35% giá trị thương mại toàn cầu.


Mỗi năm, trên thế giới có tới 2,6 tỷ người chọn máy bay làm phương tiện di chuyển. Tỷ lệ lấp đầy chỗ ngồi của máy bay trung bình là 77%, cao hơn nhiều so với loại hình vận tải khác.


Sau hơn một thế kỷ phát triển, với sự phát triển của nhiều loại máy bay hiện đại, ngành hàng không đã làm cho con người gần nhau hơn, rút ngắn khoảng cách giữa các châu lục. Tất cả đều có cội nguồn từ cánh đồng Kitty Hawk.


(TTXVN)



.


KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.