Tìm giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine là một trong những vấn đề nóng trong đời sống chính trị thế giới hiện đại, không chỉ là là vấn đề giữa hai chủ thể trực tiếp là Israel và Palestine, được sự hỗ trợ của thế giới Arab, mà còn lôi cuốn sự can đự và mối quan tâm của các chủ thể lớn trên thế giới, trước hết là Mỹ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
|
Israel không chấp nhận một Nhà nước Palestine độc lập cho dù trong thành phần Chính phủ nước này có những người ủng hộ tiến trình hòa bình Trung Đông. Trước áp lực của thế giới Arab và cộng đồng quốc tế, Israel buộc phải “hợp tác” với Palestine để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột giữa hai bên. Nhưng Israel muốn duy trì đàm phán trên thế mạnh, không muốn có bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Palestine về các vấn đề cơ bản trong tiến trình hòa bình Trung Đông, buộc Palestine phải thương lượng trên thế yếu, chấp nhận những giải pháp nằm trong lợi ích của Israel.
Dải Gaza bị tàn phá dữ dội sau các cuộc pháo kích trả đũa |
Để đạt được ý đồ “bảo toàn” các phần đất chiếm đóng của Palestine, tiếp tục lấn chiếm mở rộng các khu định cư Do Thái tại Đông Jerusalem và Bờ Tây khi có cơ hội, Israel thường sử dụng chiến thuật chấp nhận một số nhượng bộ, thỏa hiệp tạm thời với Palestine, nhưng sau đó tìm cách vi phạm để phá vỡ những tiến triển thực chất của tiến trình hòa bình.
Palestine: sự chia rẽ, tranh giành quyền lực trong nội bộ trở thành một thách thức lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Phái Hamas với quan điểm cứng rắn, chủ trương sử dụng vũ lực và các biện pháp phi đối xứng trong cuộc đấu tranh vũ trang với Israel.
Trong khi đó, phái Fatah muốn dựa vào Mỹ, thế giới Arab và cộng đồng quốc tế để tiến hành cuộc đấu tranh chính trị - ngoại giao với Israel. Do vậy, lực lượng Fatah được Mỹ, EU và cả Israel công nhận là đại diện hợp pháp cho nhân dân Palestine trong quá trình đàm phán. Ngược lại, lực lượng Hamas bị coi là tổ chức khủng bố, kể cả khi giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử hợp pháp.
Giới phân tích cho rằng, sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái chính tại Palestine, cùng với việc chia cắt thực tế giữa khu Bờ Tây và dải Gaza đã làm suy yếu vị thế của Palestine trong các cuộc đàm phán với Israel.
Đoàn người tị nạn tránh những cuộc pháo kích của Israel vào dải Gaza |
Các nước Arab ủng hộ việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập, không muốn nội bộ Palestine chia rẽ. Tuy nhiên, do chịu sự tác động của các thế lực phương Tây, một số nước Arab không ủng hộ phái Hamas, thậm chí muốn loại phái này ra khỏi đời sống chính trị của Palestine, ký kết các thỏa thuận an ninh với Israel. Do giữa các nước Arab không thống nhất quan điểm về tiến trình hòa bình Trung Đông, nên thế giới Arab không gây được áp lực lớn đối với Israel, thậm chí do những toan tính lợi ích khác nhau, nên có lúc còn dẫn đến cản trở tiến trình.
Mỹ đóng vai trò chi phối tiến trình hòa bình Trung Đông và gắn tiến trình này với những mục tiêu chiến lược khác lớn hơn tại khu vực.
Một mặt, Mỹ gây áp lực lên Israel về việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái tại khu Bờ Tây và Đông Jerusalem để tạo điều kiện nối lại các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình đạt được kết quả thực chất nào đó. Song Mỹ lại không có hành động thực tế nào bắt ép Israel; hơn nữa, cộng đồng người Do Thái ở Mỹ (nhiều nhân vật trong Chính quyền và thế lực công nghiệp, ngân hàng, truyền thông hàng đầu nước Mỹ là người Do Thái hoặc gốc Do Thái) rất mạnh, hậu thuẫn cho Israel. Mặt khác, Mỹ lợi dụng sự chia rẽ giữa phái Hamas và phái Fatah ở Palestine để “dẫn dắt” tiến trình hòa bình Trung Đông theo hướng có lợi cho Israel và các mục tiêu của Mỹ tại khu vực.
Nhân viên y tế bế thi thể bé gái 2 tuổi bị bom đạn Israel sát hại. |
Mỹ vừa thực hiện chính sách lôi kéo Hamas từ bỏ quan hệ đồng minh với Iran, từ bỏ con đường chống Mỹ và Israel, vừa ngăn chặn khả năng lực lượng Hamas lớn mạnh đến mức có thể tham gia và giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ở Palestine. Mỹ còn sử dụng tiến trình hòa bình Trung Đông để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Arab, lợi dụng những bất đồng giữa các nước này để gây chia rẽ, dẫn tới thế giới Arab không thể đoàn kết, có tiếng nói chung. Những bất đồng giữa Israel với thế giới Arab giúp Mỹ luôn có cơ hội đóng vai trò trung gian, điều tiết các vấn đề của khu vực Trung Đông vì lợi ích của Mỹ.
Cho đến nay, Mỹ đã phủ quyết hơn 60 nghị quyết của HĐBA mà nếu được thực hiện sẽ mang lại bước đột phá theo hướng có lợi cho người dân Palestine.
Như vậy, Mỹ không quyết tâm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông là do Mỹ không tính đến lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Palestine và xuất phát từ những tính toán lợi ích của Mỹ tại khu vực; còn Israel không chấp nhận một Nhà nước Palestine độc lập. Chính vì thế, trở ngại lớn nhất trên con đường trở thành thành viên LHQ của Palestine vẫn là Mỹ và Israel. Trong khi đó, bản thân Palestine và thế giới Arab lại không thể tự dàn xếp, thỏa hiệp để đi đến một giải pháp hiệu quả. Khả năng đạt được giải pháp hiệu quả cuối cùng cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine có thể còn mất rất nhiều thời gian. Thách thức đặt ra đối với tiến trình hoà bình Trung Đông vẫn còn rất lớn./.
Đăng Song
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét