Ngày 28/6, tại Hội An (Quảng Nam), Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) tối cao tổ chức hội nghị sơ kết việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, phát biểu tại hội nghị. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nông, Viện trưởng Viện phúc thẩm 1, trong 3 năm (2011- 2013), toàn quốc thụ lý 211.745 vụ án với 375.437 bị cáo. Trong số đó, đã xét xử 186.212 vụ với 324.925 bị cáo. Tòa chấp nhận quan điểm của VKS 180.000 vụ trên tổng số 186.212 vụ đã xét xử, chiếm 96,6%. Số vụ có Luật sư tham gia bào chữa là 25.672 vụ.
Đối với phúc thẩm cấp tỉnh, tổng thụ lý trong ba năm là 40.863 vụ/60.290 bị cáo. Nhìn chung quan điểm của VKS được HĐXX chấp nhận đạt 95%. Số bị cáo có luật sư bào chữa trung bình mỗi năm chiếm khoảng 20% - 21%. Ba Viện phúc thẩm Trung ương 3 năm qua đã thụ lý 8364 vụ/14.357 bị cáo, trong đó đã giải quyết 7066 vụ/11.994 bị cáo.
Kết quả tranh tụng của Kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm không có trường hợp KSV từ chối không tranh luận, đối đáp với luật sư, người bào chữa, đã góp phần bảo đảm phán quyết của Tòa án khách quan, chính xác đúng sự thật, không bỏ lọt tội phạm, chặn chế các trường hợp oan sai.
Tuy nhiên, đồng chí Phan Văn Sơn, Viện trưởng Viện phúc thẩm 2 nhận định, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, trong những năm vừa qua đã xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp, điển hình như vụ Nguyễn Thanh Chấn (phạm tội giết người) xảy ra ở tỉnh Bắc Giang, khiến dư luận xã hội rất bức xúc.
Đồng chí Phan Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ 3 cho biết, VKS các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Tòa án tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thủy Khiêm nêu rõ: “Các KSV tham gia xét xử tại phiên tòa cần nâng cao vai trò trách nhiệm, nắm vững kiến thức pháp luật để đối đáp, tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở pháp luật, không để oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm; mô hình phiên tòa rút kinh nghiệm cần được nhân rộng và thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao nghiệp vụ tranh tụng, xét hỏi tại phiên tòa”.
Nguyễn Lan
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét