Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Người nhặt tiền lẻ tặng người nghèo

Người nhặt tiền lẻ tặng người nghèo

Đó là chuyện thầy thuốc Đỗ Thanh Bình, ở thôn Đoàn Kết, xã Tịnh Ấn Đông, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đã góp những đồng tiền lẻ, mỗi tuần đủ 1 triệu đồng trao tặng cho những mảnh đời đặc biệt khó khăn. Hơn 3 năm góp nhặt tình thương, số tiền hỗ trợ cho người nghèo, cộng lại giờ đã ngót nghét 110 triệu đồng.











Những cọc tiền lẻ trị giá 1 triệu đồng được ông Đỗ Thanh Bình gói ghém cẩn thận mang đi tặng cho những gia đình nghèo
Những cọc tiền lẻ trị giá 1 triệu đồng được ông Đỗ Thanh Bình gói ghém cẩn thận mang đi tặng cho những gia đình nghèo



Kết nối những tấm lòng


Ba năm đồng hành với chương trình truyền hình từ thiện “Kết nối những tấm lòng” của Đài PTTH Quảng Ngãi, ông đã gieo vào ánh nhìn của bao người sự thiện cảm, thực tâm của một thầy thuốc có tấm lòng nhân ái. Bước chân của ông đã rải khắp các làng quê ở tỉnh Quảng Ngãi, song hành cùng những phóng viên hướng đến người nghèo. Ông là thầy thuốc, chưa một lần viết báo, nhưng những phóng viên như chúng tôi xem ông như đồng nghiệp, học từ ông tấm gương của một người đức độ, luôn gần gũi với quần chúng nhân dân.


Ông Bình làm nghề thuốc nam, bệnh nhân chủ yếu là những người dân ở khắp các làng quê trong, ngoài tỉnh Quảng Ngãi. Những người tìm đến ông, bệnh nặng nhẹ khác nhau, nhưng đa số là những lao động nghèo. Chữa bệnh ông chỉ lấy tiền bán thuốc nam, không lấy tiền công. Ai có lòng thì tùy tâm bỏ tiền vào thùng từ thiện ông đặt trong nhà, số tiền mà bệnh nhân bỏ vào thùng không phải để ông tiêu xài, chi phí mà ông tâm nguyện: “Tiền trong thùng là để trao lại cho người nghèo, tuyệt đối không dùng vào việc khác”. Thùng từ thiện dán chữ “Kết nối những tấm lòng” cũng là tiền công chữa bệnh. Ông bảo dù là tiền lẻ, nhưng đó là tiền lẻ của bà con lao động nghèo. Nó quí lắm. Đồng tiền thấm đẫm mồ hôi của nông dân, đồng tiền lẻ chắt chiu của những cụ già…


Bền bỉ thực hiện lời nguyện trong tâm, số tiền trong thùng từ thiện ông gói ghém gọn gàng. Ở đâu có những người khó khăn cùng cực, ở đâu có những em học sinh không có tiền đi thi đại học là ông mang đến biếu tận tay. Ông chia sẻ, càng đi, càng thấy nhiều mảnh đời bất hạnh, nên càng thôi thúc ông làm việc nhiều hơn để có càng nhiều tiền lẻ, gom lại tặng cho người nghèo. Lúc chưa làm từ thiện, ông chỉ chữa bệnh buổi sáng, buổi chiều nghỉ ngơi. Khi hay tin ông là thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho người nghèo, bệnh nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh đến nhà ngày càng đông. Có hôm ông chữa bệnh quên cả ăn trưa, kéo dài cho đến tận chiều.


Có lần đến nhà thấy ông thấm mệt vì đói bụng, tôi khuyên ông nghỉ ngơi ăn bát cháo đậu xanh - món ăn yêu thích của ông - để lấy sức làm tiếp, ông lại lim dim mắt cười: “Không sao đâu em, biết là sức khỏe của bản thân thì mình không thể “hành hạ” nó, nhưng bà con nghỉ làm ruộng để đến chờ mình, đi đường sá xa xôi, mình không giúp thấy tội nghiệp bà con lắm. Mình cực chút không chết liền, nhưng thấy nhiều người khó khăn cùng cực, mạng sống tính từng ngày ”.


Ông đưa tay nhẩm tính, số bệnh nhân đến nhà chữa trị nhiều năm nay trên 3 nghìn người, trong đó có cả những bà con ngư dân ở những làng chài nghèo ven biển. Nhiều ngư dân trẻ tuổi nhưng sớm bị gai cột sống, thoát vị đĩa đệm nhờ ông chữa trị mà khỏe ra tiếp tục mưu sinh bám biển. Ông cười khà khà nói bà con ngư dân mình can trường vô địch, làm nghề biển đối diện với bao bất trắc hiểm nguy từ thiên tai đến nhân tai mà vẫn kiên cường bám biển. Mình không hỗ trợ được nhiều cho ngư dân, nhưng nhiều năm chữa khỏi bệnh cho hàng trăm ngư dân, giúp họ tiếp tục bám giữ ngư trường truyền thống thì không có niềm vui và sung sướng nào bằng.











Ông Bình trao học bổng cho học sinh nghèo xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi
Ông Bình trao học bổng cho học sinh nghèo xã Tịnh Thiện, TP Quảng Ngãi

Hành trình thiện nguyện


Khán giả truyền hình thấy ông tuần nào cũng trao tiền hỗ trợ cho một gia đình nghèo trong chuyên mục Nhân đạo Kết nối những tấm lòng bảo rằng có lẽ ông giàu lắm. Có người đến tận nhà mới vỡ lẽ khi thấy cuộc sống giản dị đậm chất của một thầy thuốc nghèo. Ông đã nhóm lên niềm tin vào cuộc sống cho những mảnh đời tưởng chừng như rơi vào tuyệt vọng. Có lần ông Bình trao 1 triệu đồng cho cô Võ Thị Lành quê ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có con gái bị bệnh tim bẩm sinh. Cô Lành nắm tay ông mà ngân ngấn nước mắt. Cô nói thấy chú Bình trên tivi mà hôm nay mới được nhìn tận mắt, ơn này tôi nhớ suốt đời. Tôi nghe người ta nói tiền của chú là tiền mồ hôi nước mắt, nên tôi quý trọng lắm”.


Chữa bệnh, ông không phân biệt người quen, kẻ giàu, cứ chữa bệnh, bốc thuốc theo thứ tự. Làm từ thiện, ông cũng không quản ngại đường xa cách trở. Đoàn từ thiện của chương trình kết nối những tấm lòng đi trao tiền cho người nghèo ở các huyện miền núi từ tờ mờ sáng ông cũng đi cùng. Có lần đoàn từ thiện đi Bệnh viện Đà Nẵng ông cũng chịu khó đi. Với ông, phải tận mắt nhìn cuộc sống cùng cực của người nghèo, tìm hiểu kỹ những nơi mình trao hỗ trợ thì đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình đem trao tặng mới thật sự đúng địa chỉ. Chỉ riêng “Kết nối những tấm lòng” ông đã giúp đỡ cho 110 gia đình, đó là chưa kể hàng trăm người nghèo và những học sinh ông hỗ trợ thông qua các nhóm từ thiện ở Quảng Ngãi…


Sinh viên Đinh Văn Đệ hay em Hồ Văn Minh mồ côi cha mẹ, quê ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), đang học Trường Đại học Phạm Văn Đồng nhớ như in buổi tặng quà cho em tại ngôi trường em đang học. Em thấy chú Bình rất khác mọi người, em nhớ hình ảnh chú chỉ mặc chiếc áo phông cũ, tóc uốn lượn như nghệ sĩ, và đặc biệt quà của chú 1 triệu đồng là 10 cọc tiền lẻ, mỗi cọc 100 ngàn đồng. Em rất xúc động khi biết rõ về việc làm và tấm lòng của chú. Cũng là món quà tặng, nhưng ở chú có một sự động viên luôn nhắc nhở em phải có nghị lực vượt lên số phận mình trong suốt quá trình học tập. Những lời nhắc nhở của chú Bình làm lòng em ấm lại và em nguyện phải cố gắng vươn lên.


Nhìn tấm gương làm việc thiện bền bỉ của ông, ai cũng tự hiểu rằng làm từ thiện không thể làm lấy oai, thích thì đi, người khác rủ thì đi, “nghe nói qua loa” thì đi. Mà tiền bạc đi cùng tấm lòng. Trao tận tay, nhìn ánh mắt, nghe hơi thở của tiếng cảm ơn, mới cảm nhận hết sự nhẹ nhõm của việc thiện. “Niềm vui của việc thiện không chỉ có ở lúc mình trao tận tay món tiền nhỏ cho người nghèo, mà bẵng đi một khoảng thời gian, nghe tin có người được hỗ trợ đã thoát nghèo, có người bớt bệnh, có em học sinh nghèo không nghỉ học giữa chừng, đó là niềm vui trong khoảng lặng mà ít người có được” - Ông Bình tự đúc kết khi nói về niềm vui của mình.








Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tặng bằng khen cho ông Bình về thành tích tiêu biểu về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một phần thưởng cao quí ghi nhận tấm lòng của ông cho an sinh xã hội. Ông nói, mình làm thầy thuốc thì không có tuổi nghỉ hưu, sẽ chữa bệnh đến lúc nào không chữa bệnh được nữa. Sẽ tiếp tục hỗ trợ tiền cho người nghèo đến lúc nào không còn tiền. Tấm lòng của ông không có giới hạn trong cuộc sống đầy toan tính cho riêng mình, ông vẫn tiếp tục đồng hành cho người nghèo và trẻ em côi cút.

Đắc Bình -Văn Thương



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.