Ngày 29/1/2013, phóng sự “Ai chắp cánh cho thần chết” được phát trên Đài PT-TH Bình Định. Sau đó phóng sự còn đạt giải C - giải báo chí chất lượng cao của năm do Hội Nhà báo tỉnh Bình Định tổ chức. Bài phóng sự nhằm phản ánh thực trạng đào tạo lái xe xuống cấp, từ đó báo động nguy cơ TNGT.
Hình ảnh về một tài xế cụt hai chân, một tài xế cụt cánh tay tận nách vẫn lái xe bươn bả mưu sinh khiến cơ quan chức năng cũng như dư luận bàng hoàng.
Phóng sự hay đến mức 5 tháng sau được chương trình tin tức Giao thông của VTV1 phát lại.
Nhưng khi cơ quan chức năng tìm hiểu sự việc, mới thấy hai nhân vật này không hề có GPLX, không hề hành nghề lái xe mà vô tình bị tác giả rủ rê dựng cảnh để quay phóng sự giật gân, câu khách. Phóng sự đã “câu” được khách thật, nhưng sự dàn dựng của tác giả đã khiến phóng sự này đem lại hiệu ứng ngược, khiến dư luận bất bình. Dù phóng viên này có thanh minh theo cách gì, kể cả đưa mục đích dàn dựng cảnh người tàn tật lái xe vì mục tiêu kêu gọi xã hội quan tâm hơn đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, thì việc sử dụng những hình ảnh, thông tin không đúng để tạo nên một tác phẩm báo chí là một sai lầm lớn, cả trên phương diện nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp.
Giữa thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, làng báo luôn có sự cạnh tranh gay gắt và các phóng viên luôn phải chịu áp lực lớn. Phóng viên nào cũng muốn tiếp cận sự kiện nhanh nhất, khai thác đề tài "độc" nhất, đưa ra những hình ảnh, tư liệu đắt giá nhất. Tuy nhiên, không thể vì mục tiêu tạo hiệu ứng “sốc” cho bài báo mà dàn dựng không thành có, bắt nhân vật phải hành động theo ý chí chủ quan của nhà báo, dù biết đó là hành động sai pháp luật ATGT.
Phóng viên vốn được coi là “thư ký của thời đại”, phải có trách nhiệm phản ánh trung thực sự việc, phản ánh thực tế đời sống, góp phần định hướng đúng đắn, tích cực đến dư luận. Không được vì bất kỳ một lý do gì để làm vấn đề nghiêm trọng lên mà không đúng bản chất, bởi điều đó sẽ khiến bài báo phản tác dụng, tạo ra hiệu ứng xấu đối với nhân vật bị lôi vào cuộc dàn dựng và làm mất niềm tin của dư luận với báo chí.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 3 năm gần đây, những thông tin, vụ việc mà báo chí đưa ra yêu cầu các bộ, ban, ngành xử lý có tỷ lệ đúng là 90%, 95% . Rõ ràng, báo chí đã có công rất lớn trong việc phản ánh trung thực đời sống xã hội, nhưng chỉ 5% của việc đưa tin sai, nhất là trong môi trường lan tỏa không biên giới của internet, thì thông tin sai sẽ gây hậu quả khôn lường.
An Na
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét