Ngày 27/8 tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phối hợp với Bộ GTVT tổ chức hội nghị giới thiệu Công ước và Nghị định thư Cape Town cũng như quyền lợi của Việt Nam khi tham gia công ước này. Dự hội nghị có đại diện Đoàn đại biểu quốc hội TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao. Ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông Ngô Đức Mạnh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đồng chủ trì hội nghị.
Tham gia Cape Town được lợi gì?
Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được ký tại Cape Town (Nam Phi) năm 2001. Công ước Cape Town là một hiệp ước được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay. Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động với phạm vI điều chỉnh 3 loại trang thiết bị di động là tàu bay, động cơ tàu bay, trực thăng (với ngành Hàng không dân dụng); toa xe lửa (với ngành Đường sắt); các thiết bị vũ trụ (với ngành Viễn thông) nhưng không quy định cụ thể về thiết bị nào.
Hiện đã có 58 nước tham gia công cước Cape Town. Với Việt Nam hiện các chuyên gia đang thảo luận, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội để tiến tới đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét để Việt Nam được tham gia Công ước Cape Town với phạm vi điều chỉnh của Nghị định thư về thân tàu bay, động cơ tàu bay và trực thăng.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đặt vấn đề là nếu tham gia Công ước Cape Town thì Việt Nam được lợi gì? Đại diện cho một doanh nghiệp, ông Trịnh Ngọc Thành – Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines dẫn chứng về lợi ích nếu Việt Nam tham gia Cape Town. Đó là vừa qua VietnamAirlines có mua 4 máy bay Boeng 777. Những nước đã tham gia Cape Town thì các tổ chức tín dụng nước ngoài chỉ tính chi phí vay vốn với mức 2%. Nhưng do Việt Nam chưa tham gia Cape Town nên phải chịu mức phí 3%. Có nghĩa là mỗi chiếc máy bay khi mua chúng ta mất đi 1 triệu đô la. Bên cạnh đó, khi chưa tham gia Cape Town, các tổ chức tín dụng cho rằng độ rủi ro khi mua máy bay cao nên chúng ta phải đặt cọc 20% giá trị hợp đồng, khoảng 24 triệu đô la cho một chiếc máy bay. Nếu Việt Nam tham gia Cape Town ngay thời điểm này thì số tiền trên sẽ được hoàn trả lại cho VietnamAirlines để quay vòng vốn.
|
Khi tham gia Cape Town các hãng hàng không
sẽ không phải nộp tiền đặt cọc khi mua máy bay |
Bổ sung về vấn đề này, ông Vũ Phạm Nguyên Tùng – Giám đốc phát triển của VietjetAir đưa thêm dẫn chứng là với một chiếc máy bay Airbus giá hiện nay khoảng 90 triệu đô la. Nếu các hãng sản xuất máy bay tiếp tục áp dụng quy định bắt các hãng hàng không phải nộp 20% số tiền đặt cọc thì đây là một số tiền rất lớn đối với các hãng hàng không tư nhân.
Ông Trọng Quốc Định – Phó Tổng giám đốc phụ trách Tài chính của Jetstar Pacific cũng cho biết, Ban giám đốc công ty rất quan tâm đến việc Việt Nam tham gia công ước Cape Town. Bởi nếu Việt Nam tham gia Cape Town thì các hãng hàng không sẽ có thêm nhiều nguồn khác để vay vốn phát triển đội tàu bay. Việc tiết giảm các chi phí khi mua tàu bay là cực kỳ quan trọng đối với một hãng hàng không giá rẻ. Từ đó giảm giá vé và hưởng lợi trước tiên vẫn là hành khách.
Đồng ý tham gia Cape Town
Tại hội nghị, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đặt vấn đề là nếu tham gia Công ước Cape Town thì bên cạnh những thuận lợi chắc chắn chúng ta sẽ gặp những khó khăn nhất định. Vấn đề trước tiên là Công ước Cape Town chỉ được xây dựng trên 5 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng A Rập, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp. Khi dịch ra tiếng Việt Nam chắc chắn vẫn còn một số khập khiểng. Hơn nữa, khi tham gia Công ước Quốc tế thì đòi hỏi phải có một đội ngũ luật sư, thẩm phán đủ trình độ để khi cần có thể tham gia các cuộc kiện quốc tế. Vấn đề này đại biểu quốc hội Đặng Thành Tâm cho rằng nếu chờ đào tạo xong một đội ngũ luật sư, thẩm phán có trình độ như trên thì không biết lúc nào Việt Nam mới tham gia Cape Town được. Trước mắt có thể thuê các luật sư, thẩm phán nước ngoài trong các vụ tranh chấp, rồi từ từ chúng ta sẽ đào tạo sau.
Ông Nguyễn Văn Hiến – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hoàn toàn ủng hộ việc Việt Nam tham gia công ước Cape Town và sẽ có ý kiến để Chính phủ trình đề án này lên Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần xác định trách nhiệm của Nhà nước với các hãng hàng không đã cổ phần hóa. Bởi khi đi vay vốn thương mại ở nước ngoài các hãng hàng không đều phải dựa vào sự bảo lãnh của Chính phủ. Điều này có làm nợ công của Chính phủ tăng lên không? Trách nhiệm của Chính phủ trong trường hợp các hãng hàng không này làm ăn thua lỗ?...
Giải trình về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nợ công không phụ thuộc vào vấn đề Việt Nam tham gia Cape Town hay không. Không tham gia Cape Town thì Chính phủ vẫn phải bảo lãnh cho các hãng để đi vay mua tàu bay. Tăng nợ công hay giảm nợ công phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ đối với sự phát triển của VietnamAirlines như về đầu tư đội tàu bay sắp tới hoặc định hướng phát triển với các hãng hàng không khác.
|
Bộ GTVT sẵn sàng giải trình những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia còn băn khoăn |
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, sau khi tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các hãng hàng không trong nước, Bộ GTVT thấy rằng việc tham gia Công ước Cape Town là rất cần thiết và hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Thứ trưởng Tiêu cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2013 sản lượng hành khách của hàng không tăng đột biến trở lại là 14% (cả năm 2012 chỉ tăng 3%). Điều này cho thấy ngành Hàng không trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đòi hỏi tiếp tục đầu tư đội tàu bay. Trong điều kiện nguồn vốn khó khăn, chúng ta phải đi vay vốn thương mại để mua tàu bay nhưng phải bỏ ra những chi phí rất lớn chỉ vì chúng ta chưa tham gia Cape Town là hoàn toàn phi lý. Bộ GTVT mong muốn Quốc hội sớm xem xét để thông qua đề án Việt Nam tham gia Cape Town mà Chính phủ sẽ trình sắp tới. Những vấn đề nào đại biểu còn băn khoăn, Bộ GTVT sẳn sàng giải trình để làm rõ hơn.
|
Ủy ban đối ngoại sẽ có ý kiến để Quốc hội thông qua đề án Việt Nam tham gia công ước Cape Town |
Kết luận tại hôi nghị, ông Trần Văn Hằng – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, hội nghị đã đạt được những vấn đề quan trọng. Các đại biểu đều cho rằng việc tham gia Cape Town là hoàn toàn có lợi về phía Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước. Nhất trí sẽ áp dụng các quy định của công ước một cách trực tiếp thay vì phải nội luật hóa sẽ mất nhiều thời gian.
Tư - Huyên
.