Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Thông xe cầu Cổ Cò trên QL1 qua Tiền Giang

Thông xe cầu Cổ Cò trên QL1 qua Tiền Giang

Sáng 13/1 tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, Ban QLDA6 đã tiến hành thông xe cầu Cổ Cò trên QL1.











Các nhà thầu đã phải chạy đua với thời gian để hoàn thành cầu Cổ Cò trước tết Giáp Ngọ
Các nhà thầu đã phải chạy đua với thời gian để hoàn thành cầu Cổ Cò trước Tết Giáp Ngọ

Cầu Cổ Cò mới được xây dựng tại Km 2019+180 trên QL1, nằm song song với cầu Cổ Cò cũ ở về phía thượng lưu. Công trình thuộc gói thầu B2-29, Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia (giai đoạn 1) do Tổng Cục đường Bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA 6.


Cầu được thiết kế vĩnh cửu gồm 7 nhịp, bề rộng mặt cầu 12m, nhịp chính là dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng.


Sau khi phát lệnh khởi công ngày 7/5/2012, Ban QLDA6 mà trực tiếp là Văn phòng đại diện khu vực miền Nam đã chỉ đạo quyết liệt Liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần XDCT 510 và Công ty Cổ phần CK&XDCT 465 đã tập trung thiết bị, nhân lực để triển khai thi công.


Khó khăn nhất trong triển khai thi công là vướng mặt bằng. Tổng cộng có 223 hộ bị ảnh hưởng phải di dời đề bàn giao mặt bằng cho công trình. Ông Đào Duy Tụng, Giám đốc Công ty CP XDCT 510 cho biết, thời điểm đầu chính quyền địa phương chỉ bàn giao được cho nhà thầu phần mặt bằng ở dưới sông. Nhà thầu đã đồng loạt triển khai thi công 2 mũi ở trụ P3 và P4 và đã hoàn thành sau 4 tháng. Nhưng rồi việc thi công sau đó gần như chỉ cầm chừng gần một năm trời vì mặt bằng vẫn chưa được bàn giao hoàn toàn. Phải đến tháng 7/2013 mặt bằng tuyến chính mới được bàn giao toàn bộ cho nhà thầu.


Với quyết tâm phải hoàn thành công trình trước Tết Giáp Ngọ để phục vụ người dân đi lại, trong hơn 5 tháng cuối năm 2013, Liên danh nhà thầu đã phải huy động tổng lực, mở nhiều mũi thi công, tổ chức thi công 3 ca liên tục với hàng trăm cán bộ kỹ sư, công nhân và hàng chục xe máy thiết bị. Đến nay phần cầu và đường tuyến chính đã hoàn thành thông xe phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết 2014. “Đây là một món quá ý nghĩa mà các nhà thầu gửi tặng bà con nhân dân miền Tây đón năm mới vui vẻ”, ông Tụng chia sẻ.


Ông Phạm Văn Minh, Trưởng văn phòng đại diện khu vực phía Nam Ban QLDA 6 cho biết: trong dịp Tết Giáp Ngọ, các phương tiện sẽ được lưu thông hai chiều, từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây đi trên cầu cũ; chiều ngược lại đi trên cầu mới. Sau Tết sẽ phân luồng cho các phương tiện đi trên cầu mới 2 chiều để sửa chữa đường và cầu Cổ Cò cũ.


Như vậy, sau gần 2 năm thi công, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ đầu tư và Ban QLDA 6, cùng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác GPMB, sự nỗ lực của các nhà thầu, ba cầu là Kinh Xáng, Trà Lọt và Cổ Còn trên tuyến QL1 qua tỉnh Tiền Giang đã được thông xe, góp phần quan trọng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.


Phan Tư



.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở năm 2012

Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở năm 2012 đã được tổ chức tại ba khu vực: ngày 10/10/2012 tại phía Nam (tỉnh Bạc Liêu), ngày 24/10/2012 tại miền Trung (tỉnh Phú Yên) và ngày 7/11/2012 tại phía Bắc (tỉnh Yên Bái). Mục tiêu của Liên hoan là tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020 nhân các sự kiện kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới, Ngày Dân số Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về Dân số năm 2012. Tiếp đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền vận động và truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên dân số/y tế cơ sở, đồng thời tạo phong trào thi đua trong đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ góp phần thực hiện các mục tiêu DS-KHHGĐ năm 2012.

Đây là một sự kiện truyền thông đặc biệt, là ngày hội lớn, là nơi hội tụ, là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số các tỉnh, thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi mô hình hiệu quả, kinh nghiệm trong thực tiễn công tác DS- KHHGĐ.

Tất cả các đội tham gia Liên hoan đều phải trải qua 2 phần thi “Chào hỏi” giới thiệu về đội và những đặc trưng của địa phương và Tiểu phẩm tuyên truyền về những vấn đề mới, những khó khăn thách thức của công tác DS-KHHGĐ. Theo đánh giá của ban giám khảo, các tiết mục tham gia Liên hoan được đầu tư và sáng tạo nên phong phú về nội dung và hình thức thể hiện, đã phản ánh được những nét nổi bật, đặc trưng về văn hóa của vùng miền trong công tác DS-KHHGĐ; những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn bản trong khu vực.

Qua 2 phần thi, 63 đội tuyên truyền viên dân số của các tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những màn chào hỏi ấn tượng, giới thiệu được đầy đủ về các thành viên trong đội, cùng kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ và về công tác truyền thông DS-KHHGĐ của địa phương mình. Nhiều địa phương đã thể hiện thành công đề tài nâng cao chất lượng dân số bằng phương pháp sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chống tảo hôn, không sinh nhiều con.

Không chỉ làm tốt màn chào hỏi, các tuyên truyền viên dân số còn rất xuất sắc khi hoá thân thành diễn viên trong các vai diễn ở phần thi tiểu phẩm. Với tài năng diễn xuất, các tuyên truyền viên đã mang đến nhiều sự bất ngờ cho ban giám khảo và khán giả bởi vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt và sự thể hiện hài hước, dí dỏm qua những câu chuyện dân số có thực. Những tiểu phẩm mang đậm tính giáo dục được các đội thể hiện xuất sắc trong phần thi tiểu phẩm. Qua 02 phần thi, Ban tổ chức đã chọn ra các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để trao giải.

Kết quả, tại khu vực miền Nam, giải Nhất được trao cho đội Bình Dương; giải Nhì được trao cho đội Bạc Liêu và Thành phố Hồ Chí Minh; giải Ba được trao cho đội Tiền Giang, Đồng Nai và Cần Thơ. Các đội còn lại đồng giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 05 giải cá nhân cho các thí sinh là tuyên truyền viên hay nhất tại Liên hoan. Kết thúc Liên hoan tại khu vực miền Trung, Giải Nhất thuộc về đội Lâm Đồng. Đội Nghệ An, Bình Định đoạt giải Nhì. Hai giải Ba thuộc về đội Quảng Nam và Phú Yên. Các đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao tặng 6 giải cá nhân tiêu biểu cho 6 đơn vị. Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở khu vực phía Bắckết thúc với giải Nhất thuộc về đội Phú Thọ, giải Nhì thuộc về đội Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh; Giải Ba thuộc về Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Nguyên. 18 đội còn lại nhận giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 8 giải phụ cho tuyên truyền viên dân số trẻ tuổi nhất, nhiều tuổi nhất, diễn xuất tốt nhất…

Phát biểu tại Liên hoan các khu vực, Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ đã hoan nghênh và cảm ơn lãnh đạo, cán bộ, cộng tác viên ngành DS-KHHGĐ các tỉnh, thành đã cùng tề tựu tham dự liên hoan, đồng thời nhấn mạnh những thành quả to lớn mà ngành đạt được suốt thời gian qua luôn được tạo ra bởi những cộng tác viên dân số đã không quản gian khổ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Lãnh đạo Tổng cục cũng gửi lời cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền các tỉnh đã hỗ trợ tổ chức Liên hoan Tuyên truyền viên Dân số cơ sở tại các khu vực.

Ba cuộc Liên hoan tại 3 khu vực đã lựa chọn ra những tiết mục xuất sắc nhất đưa về Hội thi Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 10-11/12 nhân dịp Tháng hành động quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam 26/12.

Cũng tại các khu vực, ba vấn đề lớn của hoạt động DS-KHHGĐ gồm: quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số đã được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông trực tiếp về DS-KHHGĐ tại cơ sở”. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cơ sở, trong bối cảnh hiện nay và thời gian tới với những nhiệm vụ khó khăn hơn.